Các ngân hàng liên tục cập nhật và đưa ra những khuyến cáo cho khách hàng về những hình thức lừa đảo mới, trong đó có trường hợp giả mạo cả con dấu và chữ ký lãnh đạo.
Giả mạo cả chữ ký và con dấu để lừa tiền
Mới đây, nữ phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thuộc nhóm “Big4” chia sẻ tình huống các đối tượng manh động đến mức giả mạo văn bản có con dấu của ngân hàng cũng như chữ ký của bà để thực hiện việc lừa đảo.
Đối tượng lừa đảo lấy danh nghĩa ngân hàng cam kết với khách hàng về việc sẽ hoàn tất thủ tục và hoàn trả toàn bộ số tiền đang bị treo trên hệ thống sau khi cập nhật số tiền 70 triệu đồng (tương đương 1% số tiền đang bị treo trên hệ thống ngân hàng).
Sau khi hoàn tất thủ tục trên, khách hàng tới trực tiếp ngân hàng để làm thủ tục nhận lại toàn bộ số tiền đã bị treo trên hệ thống hơn 7 tỷ đồng. Bản cam kết giả còn có dấu đỏ của ngân hàng và chữ ký của phó tổng giám đốc.
“Bản cam kết này là hoàn toàn giả mạo”, phó tổng giám đốc khẳng định. Bà cho biết có thể có ai đó đã bị đối tượng dụ dỗ lừa chuyển 70 triệu đồng để hy vọng được nhận số tiền nhiều hơn thế.
“Xin khẳng định là không có bất kỳ một ngân hàng nào phát hành bản cam kết tương tự. Cũng không có ngân hàng nào yêu cầu khách hàng phải cập nhật số tiền nào đó để được hoàn trả số tiền bị treo trên hệ thống. Chiêu thức lừa đảo ngày càng mới. Điều duy nhất không thay đổi là đánh vào tâm lý mong “việc nhẹ lương cao, dễ kiếm tiền” của nạn nhân”, bà khẳng định.
Đây được xem là một trong những chiêu lừa đảo mới nhất được các ngân hàng phát hiện.
Trước đó, VietinBank, BIDV cảnh báo về hiện tượng lừa đảo thông qua giả mạo các bản tin tuyển dụng.
Theo đó, đối tượng mạo danh email, fanpage của ngân hàng để đăng tin tuyển dụng, sau đó yêu cầu ứng viên nộp một khoản “phí tuyển dụng” hoặc yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng,…
Các ngân hàng đều khẳng định không bao giờ yêu cầu ứng viên nộp “phí tuyển dụng” hoặc cung cấp mật khẩu, mã OTP,….
Một phương thức lừa đảo khác được Agribank cảnh báo đến khách hàng là kẻ gian đã mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận mời chào mở và sử dụng thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online.
Thực chất đây là lừa đảo thông qua liên hệ mời mở thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online; liên hệ mời nâng hạn mức thẻ tín dụng; liên hệ mời rút tiền từ thẻ tín dụng; hoặc liên hệ mời hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm.
Theo Agribank, ngân hàng này không gọi điện, nhắn tin mời khách hàng mở thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online, cũng như không gửi tin nhắn có đường dẫn yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số thẻ, mã xác thực OTP, số CVV2/CVC2 (ba số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc bất kỳ thông tin cá nhân của khách hàng qua mạng xã hội (Zalo, Facebook,…).
Khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng; cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ.
Lừa đảo qua yêu cầu cài đặt VNEID
Với những chiêu thức lừa đảo ngày một biến tướng tinh vi, không ít khách hàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo. Không những vậy, ngay cả những chiêu thức lừa đảo tưởng chừng như đã cũ và được ngân hàng nhiều lần đưa ra cảnh báo, thế nhưng vẫn có những khách hàng sập bẫy kẻ lừa đảo.
Mới đây nhất, chỉ trong vòng một ngày Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) PGD Vĩnh Lộc đã phối hợp với Công an huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa kịp thời ngăn chặn hai vụ lừa đảo với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Vụ việc thứ nhất xảy ra đối với bà Nguyễn Thị T. (trú tại thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc) đã bị các đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát gọi điện thoại đe dọa có liên quan đến một vụ án ma túy và doạ sẽ tạm giam 4-6 tháng, yêu cầu bà mở tài khoản ngân hàng và nộp vào đó số tiền 300 triệu đồng, sau đó cung cấp thông tin, tài khoản cho họ.
Vì quá sợ hãi bà T đã đến PGD Vĩnh Lộc yêu cầu rút tiền và chuyển khoản cho đối tượng.
Cũng tương tự sự việc trên, ông Hoàng Dũng T (trú tại Thôn Vĩnh Hưng, Vĩnh Lộc) đã bị các đối tượng mạo danh cơ quan công an gọi đến và trao đổi rằng định danh điện tử của ông chưa làm, đề nghị ông tạo ứng dụng VNEID.
Sau đó ông T. đã cũng cấp thông tin tài khoản định danh VNEID đã được cấp cho đối tượng lừa đảo. Các đối tượng tiếp tục đe doạ ông T. có liên quan đến một buôn bán ma tuý và một số đối tượng khác trong vụ án đã bị bắt. Đồng thời yêu cầu ông khai báo về thông tin tài sản của gia đình và mở tài khoản ngân hàng để nộp vào đó số tiền 400 triệu đồng.
Các đối tượng yêu cầu ông giữ liên lạc và tuyệt đối giữ bí mật về nội dung trên. Vì quá sợ hãi nên ông T. đã đến PGD Vĩnh Lộc để thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng.
Trong quá trình tiếp nhận yêu cầu giao dịch PGD Vĩnh Lộc nhận thấy dấu hiệu lạ từ khách hàng như lo lắng, sợ hãi, chữ ký run tay, nội dung yêu cầu giao dịch không nắm rõ, từ chối cung cấp thông tin liên quan đến người nhận tiền,…
Chính vì vậy, PGD nhận định khả năng khách hàng đang vướng vào vụ lừa đảo nên đã kịp thời báo cáo Công an Huyện Vĩnh Lộc.
Sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với ngân hàng xác minh, làm rõ vụ việc, đồng thời tuyên truyền, giải thích về các phương thức thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng, giúp hai khách hàng này giữ lại số tài sản của mình.
Qua vụ việc trên, LPBank khuyến cáo người dân nên nâng cao nhận thức, cảnh giác với các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa biết cụ thể người nhận. Nếu phát hiện thông tin về tội phạm, người dân cần liên hệ đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
Phá đường dây làm giả 'thẻ ngành' công an, quân đội để lừa đảo
Nghi ngờ bị lấy cắp thông tin CCCD để vay tiền, người dân kiểm tra ngay bằng 2 cách đơn giản sau