Theo các doanh nghiệp sản xuất, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.
Theo khảo sát, ngày 12/4, giá NPK Phú Mỹ tại miền Bắc giao dịch khoảng 16.500-16.900 đồng/kg, NPK Việt Nhật từ 16.300-16.700 đồng/kg (giảm 1.800 đồng/kg so với hồi đầu năm), NPK Cà Mau là 15.100-15.700 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg). Mức giảm tương ứng khoảng 10-15%.
Kali bột Cà Mau giao dịch 13.900 - 14.300 đồng/kg, Kali bột Phú Mỹ 13.900-14.300 đồng/kg, giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó, phân Urê giảm khá mạnh với mức giảm từ 30-50%. Hiện, phân Urê Phú Mỹ giao dịch từ 10.700-11.7000 đồng/kg, Urê Hà Bắc từ 10.700-11.700 đồng/kg (giảm 3.600 - 4.000 đồng/kg so với hồi đầu năm).
Trên thị trường thế giới, giá Urê liên tục giảm mạnh xuống 307,5 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 70% và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón, nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.
So với thời điểm cuối năm ngoái, khi giá phân bón bắt đầu hạ nhiệt từ 15-20%, hiện giá phân bón đã bắt đầu giảm đến 30 - 50% tùy loại. Điều này giúp nông dân thở phào nhẹ nhõm khi giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón thường tỷ lệ thuận với giá dầu khí thế giới. Tuy nhiên, từ quý 4/2022 giá dầu không tăng nên giá các loại phân bón liên tục giảm mạnh, đặc biệt là phân Urê.
Đặc biệt, thời gian qua, việc giá phân bón trong nước và thế giới tăng quá cao đã vượt ngưỡng chịu đựng của người nông dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Nhiều hộ dân phải bỏ ruộng, vườn, cắt giảm sản xuất dẫn tới nhu cầu tiêu thụ nội địa ở mức khá thấp.
Đại diện Hiệp hội Phân bón cho hay, hiện nay, giá các loại phân bón đã giảm khá mạnh nhưng nhu cầu tiêu thụ chưa nhích nên tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Vào giữa tháng 4, khi vào mùa mưa là giai đoạn cao điểm tiêu thụ phân bón trong năm, hi vọng sức tiêu thụ phân bón của bà con sẽ khởi sắc trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 xuất khẩu phân bón đạt 126.638 tấn, tương đương 55 triệu USD, giảm 16% cả về lượng và giá trị so với tháng 2. So với tháng 3/2022, xuất khẩu phân bón đã tăng 4% về lượng nhưng giảm 16% về giá trị.
Lũy kế quý đầu năm 2023, xuất khẩu phân bón đạt gần 405.000 tấn với kim ngạch hơn 183,5 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 41% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá dầu và than giảm sâu: Ngành phân bón hưởng lợi từ chi phí đến biên lợi nhuận
Công ty phân bón đầu tiên báo lãi 6 tháng gần bằng 100% kế hoạch năm