Tính chung bình quân mỗi ngày Đạm Cà Mau (DCM) chi hơn nửa tỷ đồng để quảng cáo, truyền thông.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà mau (mã chứng khoán DCM) công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh năm 2022 với nhiều điểm đáng chú ý.
Tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 4.458 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn, đến 30,9% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 1.276 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 37,8% xuống còn 28,6%.
Trong quý doanh thu tài chính đạt 82 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính cũng tăng 40% lên 20 tỷ đồng. Đặc biệt chi phí bán hàng tăng hơn gấp đôi lên 254 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại giảm 90% xuống còn 23 tỷ đồng.
Những nhân tố trên tác động khiến cho lợi nhuận trước thuế còn 1.055 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.004 tỷ đồng, giảm 8,4% so với số lãi 1.096 tỷ đồng đạt được quý 4/2021.
Lũy kế cả năm 2022 doanh thu Đạm Cà Mau đạt 15.924 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 61,3% so với năm 2021. Bên cạnh đó tỷ lệ tăng chi phí vốn thấp hơn nhiều, chỉ 45,5% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt trên 5.600 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 28,1% năm 2021 lên 35,2%. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục công ty đạt được từ trước tới nay.
Năm 2022 thị trường ngành phân bón, hóa chất chứng kiến giai đoạn giá gia tăng, nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, giúp các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất nói chung có lợi nhuận cao.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2022 của Đạm Cà Mau, doanh thu từ bán Ure vẫn chiếm ưu thế, đạt 12.466 tỷ đồng, đóng góp hơn 76% vào tổng doanh thu cả năm và tăng 71% so với năm 2021, trong đó doanh thu xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 5.800 tỷ đồng, bán hàng trong nước 6.648 tỷ đồng. Doanh thu bán thành phẩm NPK đạt 1.353 tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần cùng kỳ và đóng góp 8% vào tổng doanh thu. Mảng phân bón và bao bì mang về hơn 2.064 tỷ đồng doanh thu, trong đó bán hàng trong nước đạt 1.511 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong năm đạt hơn 301 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ chủ yếu từ thu lãi tiền gửi, đạt 262 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận đến 31/12/2022 Đạm cà mau còn hơn 2.100 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 1.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó hơn 2.100 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Ngoài ra công ty còn có hơn 6.800 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng (tăng 2.450 tỷ đồng so với đầu năm).
Chi phí tài chính cả năm hơn 60 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó có đến hơn 50 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá, và hơn 10 tỷ đồng chi trả lãi vay.
Chi phí bán hàng cả năm gần 700 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ chủ yếu do gia tăng chi phí bận chuyển, bốc xếp, lưu kho và chi phí quảng cáo truyền thông. Năm 2022 Đạm cà Mau chi 194 tỷ đồng cho quảng cáo, truyền thông, tương ứng mỗi tháng chi hơn 16 tỷ đồng, hay tính bình quân mỗi ngày Đạm Cà mau chi hơn nửa tỷ đồng cho quảng cáo, truyền thông.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cả năm 604 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi phí trích quỹ phát triển khoa học công nghệ và phí dịch vụ mua ngoài.
Kết quả, năm 2022 Đạm Cà Mau báo lãi trước thuế 4.551 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.281 tỷ đồng, tăng 134,4% so với số lãi hơn 1.826 tỷ đồng đạt được năm 2021 và vượt 17% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Đây cũng là số lãi kỷ lục Đạm Cà Mau đạt được từ trước tới nay.