Năm 2022, ngành điện đứng trước áp lực nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bản lẻ điện đứng yên suốt 4 năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến EVN thua lỗ và đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh giá điện.
Năm ngoái, giá than cho sản xuất điện đi lên khiến chi phí sản xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng vọt.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết than nhập khẩu cuối năm 2022 tăng 6 lần so với đầu năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2022. Phần giá than tăng thêm khiến chi phí đội lên tới hơn 47.000 tỷ đồng.
Chưa kể, năm 2022, giá dầu cũng biến động lớn. Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng.
Phân tích nguyên nhân giá than tăng cao trong năm 2022, các chuyên gia cho biết do giá khí đốt ở mức cao sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, làm gián đoạn nguồn cung khí đốt đã khiến một số quốc gia chuyển sang sử dụng than, là nhiên liệu tương đối rẻ hơn. Nhu cầu tăng cao đã làm cho giá than tăng nóng trong suốt năm qua.
Tuy nhiên, mới đây, theo Nikkei Asia, giá than dùng cho sản xuất điện đã giảm về mức trước khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine cách đây một năm.
Diễn biến giá than tại cảng Newcastle trong vòng 1 năm qua |
Cụ thể, tính đến cuối tháng 2, giá than chất lượng cao giao ngay vận chuyển từ cảng Newcastle (Australian) giao dịch ở mức 179 USD/tấn, giảm gần 60% so với ngưỡng kỷ lục thiết lập hồi tháng 9 năm ngoái.
Đà tăng giá than kéo dài đến giữa tháng 1/2023, giao dịch quanh mức 400 USD/tấn sau đó giảm dần do các nước tìm kiếm nguồn cung thay thế cho than của Nga.
Với tình hình giá than giảm sâu, câu hỏi đặt ra là chi phí cho sản xuất điện có giảm theo và áp lực giá điện cũng giảm hơn trong thời gian tới? Bởi trước đó, từng có ý kiến cho rằng nếu thực hiện theo nguyên tắc Luật giá là giá phải đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh cho ngành điện, mức phải tăng của giá điện vào khoảng 15% so với giá bán hiện hành.
Chia sẻ với người viết, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, cho biết: "Khi nói đến giá thành sản xuất điện, EVN phải giải trình kỹ lưỡng với Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, trong đó, cần làm rõ giá than tác động thế nào, ví dụ điện than chiếm bao nhiêu % sản lượng điện cung cấp cho toàn ngành kinh tế, từ đó tính ra vệc tăng/giảm giá than ảnh hưởng bao nhiêu đến giá thành sản xuất điện".
Cũng theo ông Thịnh, hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864 đồng/kWh, chưa thay đổi từ tháng 3/2019, tức gần 4 năm chưa điều chỉnh nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất, do đó, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng có thể khiến giá điện tăng theo và ngược lại khi chi phí đầu vào giảm, giá điện sẽ điều chỉnh giảm trong kỳ điều chỉnh kế tiếp.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, hàng quý EVN phải cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tuy giá than có giảm nhưng tỷ giá vẫn cao, đây cũng là yếu tố khiến chi phí đầu vào của ngành điện tiếp tục ở mức cao.
Do đó, để biết chi phí sản xuất điện có giảm hay không cần tính toán cả yếu tố tỷ giá bên cạnh nguyên liệu đầu vào, đồng thời có thể tiến hành kiểm toán, thanh tra ngành điện để xem xét mức độ hoạt động hiệu quả của ngành điện.
Thực tế, để sản xuất được điện, Việt Nam phải nhập khẩu nhiên liệu đầu vào cho sản xuất theo giá thị trường thế giới. Do đó, giá điện không thể không phản ánh giá trị thị trường thế giới của những loại đầu vào này và những yếu tố cấu thành giá khác trong cơ cấu giá điện.
Tuy nhiên, điện là một mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất, do đó, việc tăng hay giảm giá điện đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong đó, với khả năng tăng giá trong lần điều chỉnh sắp tới sau khi Chính phủ chính thức tăng khung giá bán lẻ điện bình quân, các chuyên gia cho rằng giá điện tăng quá mạnh sẽ tác động lớn tới sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng tới giá thành cạnh tranh của hàng Việt Nam ở thị trường quốc tế. Do đó, mức tăng bao nhiêu cần phải dựa vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.