Giá tiêu hôm nay 19/5/2022 tăng 500 đồng/kg, giao dịch quanh mức 73.000 - 76.500 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu tại thị trường trong nước bật tăng trở lại tại một số địa phương. Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng/kg lên mức 74.500 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, giá tiêu cũng tăng 500 đồng/kg lên mức 76.500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại các địa phương còn lại, giá tiêu không có biến động. Tại Bình Phước gái tiêu đứng ở mức 75.000 đồng/kg; tại Đồng Nai 73.500 đồng/kg và giá tiêu tại Gia Lai hôm nay ở mức 73.000 đồng/kg – mức thấp nhất thị trường.
Theo báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 04/2022 đạt 24.630 tấn tiêu các loại, tăng 903 tấn, tức tăng 3,81 % so với tháng trước nhưng lại giảm 7.602 tấn, tức giảm 23,59% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 114,02 triệu USD, tăng 23,39 triệu USD, tức tăng 2,09 % so với tháng trước và tăng 8,80 triệu USD, tức tăng 8,37 % so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế khối lượng xuất khẩu hạt tiêu 4 tháng đầu năm 2022 đạt tổng cộng 77.810 tấn tiêu các loại, giảm 15.747 tấn, tức giảm 16,83 % so với khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021.
Về giá trị kim ngạch xuất khẩu43 tháng đầu năm 2022 đạt tổng cộng 362,73 triệu USD, tăng 78,43 triệu USD, tức tăng 27,59 % so với cùng kỳ.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2022 đạt 4.629 USD/tấn, giảm 1,66 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 3/2022.
Xuất khẩu hồ tiêu những tháng vừa qua có phần sụt giảm do lạm phát toàn cầu gia tăng vượt mức, trong khi cuộc chiến ở Đông Âu bùng nổ và Trung Quốc thắt chặt các cửa khẩu biên giới ở phía Bắc vì dịch bênh covid lây lan đã làm xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường tiêu thụ lớn này cũng bị đình trệ. Kỳ vọng các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ sớm bình thường trở lại để Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế của nhà sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới.
Giá tiêu thế giới
Ở Đông Nam Á, thị trường đã mở cửa trở lại sau lễ Eid Fitr Mubarak 1443 H của người Hồi giáo tại Indonesia vào tuần trước. Tuy nhiên giao dịch vẫn ít. Cụ thể, tiêu đen nội địa của quốc gia từ 3.433 USD/tấn; tiêu trắng từ 5.904 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Lampung 4.080 USD/tấn; giá FOB tiêu trắng tại cảng Pinang từ 6.810USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu nội địa Malaysia giảm trong tuần này do đồng Ringgit Malaysia giảm 0,5% so với USD (4,38 MYR/USD). Còn giá tiêu của Malaysia giao dịch trên thị trường quốc tế tiếp tục ổn định.
Cụ thể, giá tiêu đen nội địa giảm 1%, từ 4.148 xuống 4.127 USD/tấn; tiêu trắng nội địa giảm 1%, từ 5.926 xuống 5.899 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Kuching 5.900 USD/tấn với loại 500g/l; giá FOB tiêu trắng tại cảng Kuching ở mức 7.600 USD/tấn.
Thông thường, xuất khẩu hồ tiêu sẽ có xu hướng đi lên trong quý II sau khi vụ thu hoạch kết thúc, do đó thị trường dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Song, giá hồ tiêu được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp chống dịch của Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, giao thương thuận lợi sẽ thúc đẩy giá tăng trở lại.
Ngược lại, nếu tình hình tiếp tục không khả quan, giá có thể đi ngang hoặc giảm cho dù nhu cầu từ các thị trường lớn khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ vẫn tương đối tốt.
Song song đó, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng phần nào đến sức tiêu dùng hàng hóa nói chung và hồ tiêu nói riêng.