Giá vàng tăng, đại gia vàng ghi doanh thu bán vàng 24K tăng gần 80% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp lại giảm.
Ngày 20/5/2024, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (sàn HoSE - mã: PNJ) công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận KQKD khởi sắc khi doanh thu thuần đạt 16.049 tỷ đồng tăng 33,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Doanh thu của từng kênh đều tăng, trong đó doanh thu vàng 24K cao hơn cùng kỳ gần 80% bởi sự sôi động của thị trường vàng miếng.
Điều đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp trung bình 4 tháng đầu năm 2024 của PNJ lại giảm 2,1% so với cùng kỳ và chỉ đạt 17%.
Theo PNJ, nguyên nhân do sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh lẻ, cơ cấu doanh thu, sự biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác.
Theo báo cáo của SSI, biên lợi nhuận gộp PNJ giảm do vàng miếng ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong biên lợi nhuận.
SSI ước tính biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ cho thấy sự cải thiện đáng kể trong tháng 4 có thể là do thay đổi cơ cấu sản phẩm và tăng giá bán cho khách hàng nhằm bù đắp cho chi phí nguyên liệu vàng tăng cao gây áp lực giảm biên lợi nhuận của PNJ trong quý I/2024.
Theo nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng mảng kinh doanh của PNJ là chế tác và bán lẻ trang sức. Mảng này luôn mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với kinh doanh vàng miếng.
Tuy nhiên, trong những tháng qua, doanh thu vàng miếng tăng đột biến và chiếm tỷ trọng đến 42,4% trong cơ cấu doanh thu (trong khi cùng kỳ chỉ 31,2%) khiến biên lợi nhuận bị bó hẹp. Biên lợi nhuận các sản phẩm vàng 24K rất thấp, không tới 1%. Đây cũng không phải mảng kinh doanh chính của PNJ.
Theo TPS, việc người dân ưu tiên tích trữ vàng miếng, xem đây như một kênh đầu tư tiềm năng trong giai đoạn lãi suất ngân hàng thấp thay vì mua sắm trang sức và chú trọng tính thời trang cũng tác động đến biên lợi nhuận của PNJ.
Thực tế này buộc công ty phải dành thêm ngân sách cho các chương trình khuyến mãi và tiếp thị để thu hút khách hàng mới cũng như tăng tỷ lệ khách hàng cũ quay lại cũng tác động đến biên lợi nhuận.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng giá vàng tăng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của PNJ vì "công ty không phải lúc nào cũng có thể đẩy chi phí về phía khách hàng".
Ngoài ra, giá vàng nguyên liệu cao kéo theo giá trang sức thành phẩm cao hơn, từ đó cản trở sức mua và dẫn đến khối lượng bán hàng thấp.
Thời gian qua, giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong những tháng gần đây, có thời điểm đạt 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4 sau đó nhảy vọt lên 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường xuyên neo cao, đỉnh điểm lên đến 20 triệu đồng một lượng.
Mới đây, Ngân hàng nhà nước cho hay, cơ quan này sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng cho các NHTM cổ phần Nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.
Theo đó, mức giá bán cho các ngân hàng thương mại Nhà nước căn cứ theo giá thế giới. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) để các ngân hàng bán vàng trực tiếp tới người dân.
>>Thanh tra SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu kinh doanh vàng: Ai lỗ, lãi mạnh nhất?
BIDV công bố 3 điểm bán vàng, chỉ bán vàng miếng SJC theo lượng
Giá vàng hôm nay 1/6/2024 giảm không ngừng, SJC chỉ còn hơn 83 triệu đồng