Giá vàng hôm nay 10/8: tăng sau dữ liệu kinh tế mới
Giá vàng hôm nay (10/8), thị trường quốc tế có phiên tăng thứ 2 liên tiếp so với trước đó. Sau khi Mỹ công bố tình hình thất nghiệp tích cực thì nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc cũng cho báo cáo CPI diễn biến trái chiều trong tháng 7.
Giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường châu Á, sáng nay lúc 5 giờ 44 phút (giờ Hà Nội), giao dịch quanh ngưỡng trên 2.431 USD/ounce, tăng hơn 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng trên 2.431 USD/ounce, tăng hơn 4 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó tại thị trường này.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước đứng phiên hôm qua (9/8) các đơn vị kinh doanh vàng cơ bản giữ giá mua - bán so với phiên trước. Cụ thể, trên thị trường đứng quanh mức 76,5 – 78,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán ở quanh mức 76,5 – 78,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 76,5 – 78,5 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn phiên 9/8, các đơn vị đảo chiều tăng giá mua - bán so với phiên giao dịch trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 76,28 – 77,48 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 250.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 76,25 – 77,5 triệu đồng/lượng, 200.000 đồng/lượng chiều mua và 250.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,25 triệu đồng/lượng.
Ngày 9/8, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,2% trong tháng 6 và cao hơn mức 0,3% dự báo trước đó.
Chỉ số CPI lõi tháng 7 của Trung Quốc (không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu) tăng mức 0,4%, thấp hơn so với mức 0,6% trong tháng 6.
Chỉ số CPI của Trung Quốc tăng tốt trong tháng 7, cho biết thị trường trong nước của nền kinh tế số 2 thế giới có tín hiệu phục hồi, thay cho những tháng trước chỉ số này tăng rất thấp, thậm chí còn giảm.
Chuyên gia nhận định, điều này sẽ thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trở lại, có thể đưa kinh tế Trung Quốc thoát được tình trạng giảm phát dự báo trước đó.
Tuy nhiên, NBS cũng cho biết, chỉ số giá của nhà sản xuất giảm 0,8% trong tháng 7, đi ngang so với tháng trước, cao hơn một chút so với dự báo giảm 0,9%.
NBS cho rằng hoạt động chế tạo giảm sút, khiến triển vọng xuất khẩu trong nước thấp. Còn xuất khẩu lại đang chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại đang bị phương Tây áp đặt.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có những cam kết vào cuối tháng 6 về biện pháp kích thích để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, trong đó có 300 tỷ nhân dân tệ của chính phủ sẽ thông qua trái phiếu siêu dài hạn để đầu tư hạ tầng công nghệ và hỗ trợ trao đổi sản phẩm tiêu dùng.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tích cực, nhưng những dữ liệu về sản xuất của Trung Quốc không có cải thiện. Chính vì thế mà đầu phiên đêm qua, giới đầu tư bán vàng, nhưng sau đó đã quay lại mua vào khi họ cho rằng thị trường chưa hết những rủi ro. Bởi 2 nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc chưa có sự tăng trưởng ổn định.