Cập nhật giá vàng mới nhất hôm nay 7/2/2023; giá vàng SJC trong nước mới nhất, thông tin thị trường vàng…
Giá vàng trong nước
Giá kim loại quý trong nước hôm nay có sự thay đổi nhẹ. Hiện tại, giá vàng trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67,22 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Trước đó, trong 2 ngày giao dịch liền trước, giá vàng nhẫn SJC đã "bốc hơi" tổng cộng tới 850 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 950 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 66,1 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra cao hơn 100.000 đồng so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng Vietinbank Gold đang thu mua mức 66,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,22 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hôm nay cũng tăng khá mạnh. Ngày 6/2, giá vàng nhẫn được PNJ mua - bán ở mốc 53-54 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều so với chốt phiên giao dịch 4/2.
Trong 2 ngày giao dịch liền trước, giá vàng nhẫn PNJ đã mất tới 900 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng thế giới
Theo chuyên gia cho biết: “Các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao (khoảng 5%) trong thời gian dài hơn. Điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong thời gian tạm thời".
Hiện giá vàng thế giới tăng nhẹ sau khi chứng kiến một phiên sụt giảm mạnh vào cuối tuần qua. Giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ở mức 1.872,8 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn giao dịch ở mức 1.885,4 USD/ounce.
Tuần trước, kim loại quý thế giới đã liên tiếp “lao dốc” do chịu áp lực chốt lời sau một loạt dữ liệu quan trọng được công bố. Chốt phiên giao dịch cuối của tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,53%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2022, trong khi giá vàng tương lai giảm 2,75%.
Vàng lao dốc khi dữ liệu mới nhất từ Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho thấy lĩnh vực dịch vụ vượt kỳ vọng trong tháng 1 và tăng trưởng sau khi giảm vào tháng 12. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức 55,2% trong tháng trước, tăng từ mức 49,2% của tháng 12 và tăng so với mức dự đoán 50,4% của các nhà kinh tế. Trong khi đó, báo cáo chỉ ra rằng áp lực lạm phát giảm nhẹ trong tháng 1, với chỉ số giá giảm xuống 67,8% từ mức 68,1% của tháng trước.
Tại cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2023, Fed đã quyết định với mức tăng 25 điểm cơ bản, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Trước khi các dữ liệu được công bố, thị trường cho rằng đó có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed.
Tuy nhiên, tâm lý đã thay đổi sau đó và điều này có tác động không nhỏ đến vàng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các báo cáo tới đây cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vẫn tốt, Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài.
Mặc dù chịu áp lực lớn, nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng tăng giá tổng thể với vàng vẫn còn nguyên. Có ý kiến cho rằng, cho dù Fed có làm gì đi chăng nữa, vàng sẽ hoạt động tốt trong suốt thời gian còn lại của năm. Đây là một cú hích tốc độ ngắn hạn chứ không phải là một thay đổi cơ bản trong triển vọng của kim loại quý này.
Các chuyên gia nhận thấy, vàng vẫn đang hoạt động trong môi trường thuận lợi khi Fed có khả năng sẽ kết thúc sớm chu kỳ thắt chặt, điều đó sẽ khiến đồng USD suy yếu hơn nữa và điều này sẽ hỗ trợ tài sản được định giá bằng đồng tiền này như vàng. Ngoài ra, vàng vẫn sẽ là một công cụ phòng ngừa lạm phát hấp dẫn vì khó có khả năng lạm phát giảm xuống mức 2%.