Giá vàng phá đỉnh sau khi 8.000 thỏi vàng rút khỏi kho dự trữ lớn thứ 2 thế giới
Giới phân tích nhận định, cơn sốt giá vàng năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì và được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính.
Chiều ngày 10/2, giá vàng thế giới bất ngờ tăng vọt 40 USD/ounce, lên mức 2.900 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới tiếp tục lập kỷ lục mới ngay phiên giao dịch đầu tuần. Kể từ đầu năm 2025, giá kim loại quý này đã tăng gần 10,3%.
![xauusd_2025-02-10_16-13-35.png](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/xauusd_2025-02-10_16-13-35.png)
Sáng ngày 10/2 (theo giờ Việt Nam), CNN đưa tin, những lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến nhu cầu rút vàng tại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng mạnh; đến mức các nhà giao dịch phải chờ đợi vài tuần mới có cơ hội rút vàng.
Trong bối cảnh thị trường vàng Mỹ giao dịch ở mức cao hơn so với London, các nhà giao dịch đang đổ xô rút vàng từ BOE để tận dụng mức chênh lệch giá.
Theo Phó Thống đốc BOE Dave Ramsden, lượng vàng dự trữ của ngân hàng này đã giảm khoảng 2% (8.000 thỏi vàng) kể từ cuối năm ngoái. BOE là kho dự trữ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Cục Dự trữ Liên bang New York, khi quản lý hơn 400.000 thỏi vàng trị giá hàng tỷ bảng Anh.
Việc vàng trở nên đắt giá hơn tại Mỹ xuất phát từ lo ngại các chính sách thuế quan cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump có thể làm gián đoạn nguồn cung vàng nhập khẩu, khiến giá tăng vọt. Ông Trump đã tuyên bố áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời đề xuất thuế quan có đi có lại đối với tất cả quốc gia.
![]() |
8.000 thỏi vàng rút khỏi BOE kể từ cuối năm ngoái |
Giới phân tích nhận định, cơn sốt giá vàng năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì và được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, các ngân hàng trung ương đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng. Mặc dù lạm phát kéo dài có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất chậm hơn dự kiến, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ 1-2 lần trong năm nay. Nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, ngoại trừ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng được dự báo sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, căng thẳng địa chính trị leo thang làm gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng. Các cuộc xung đột tại Trung Đông, Ukraine, cùng quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản an toàn để bảo vệ giá trị trong bối cảnh rủi ro gia tăng.
Thứ ba, nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương vẫn ở mức cao. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã ghi nhận tháng mua ròng vàng thứ ba liên tiếp trong tháng 1, bất chấp việc giá vàng liên tục lập đỉnh. Xu hướng này khởi phát từ năm 2022 khi phương Tây phong tỏa tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga để trừng phạt Moscow, khiến nhiều quốc gia chuyển sang tích trữ vàng.