Giá vàng tăng 11% từ đầu năm nhưng vẫn thua xa mặt hàng này khi tăng tới 35% gây ra cơn 'chấn động' toàn cầu
Việt Nam là một trong những nhân tố được thế giới đặt kỳ vọng có thể chặn lại đà tăng của mặt hàng này.
Thị trường cà phê toàn cầu đang chứng kiến đợt tăng giá mạnh nhất trong nhiều năm. Giá cà phê Arabica tương lai tại New York đã tăng hơn 6% trong phiên giao dịch ngày 10/2, chạm mức cao kỷ lục 4,3 USD/pound. Tính từ đầu năm, mặt hàng này đã tăng tới 35%, gây ra tâm lý hoảng loạn trên thị trường do nguồn cung bị thắt chặt.
Hợp đồng giao ngay kỳ hạn tháng 3 trên sàn giao dịch ICE đã đạt mức cao nhất 4,3195 USD/pound, trước khi đóng cửa ở mức 4,211 USD/pound, tăng 6,2% trong phiên. Giá cà phê Arabica đã tăng liên tục 13 phiên, chạm mức cao nhất kể từ khi thị trường thiết lập kỷ lục 4,241 USD/pound trước đó.
Bob Fish, đồng sáng lập chuỗi cà phê Biggby Coffee với 350 cửa hàng tại Mỹ, nhận định: "Nỗi hoảng loạn cuối cùng cũng xuất hiện, giá cả sẽ tiếp tục tăng". Ông cho rằng chỉ có hai yếu tố có thể chặn đà tăng này: một là Brazil và Việt Nam có một vụ mùa bội thu, hai là giá cao đến mức làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng.
Fish cũng cảnh báo rằng các cửa hàng cà phê ở Mỹ cần tăng giá bán để tránh nguy cơ biên lợi nhuận bị thu hẹp nghiêm trọng.
![]() |
Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới – đang được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực nguồn cung. Ảnh minh họa |
>> Cà phê Việt Nam xuất khẩu giảm mạnh, doanh thu vẫn lập kỷ lục nhờ giá tăng cao
Nguyên nhân chính dẫn đến đợt tăng giá này là tình trạng khô nóng tại Brazil – quốc gia sản xuất gần một nửa lượng cà phê Arabica trên thế giới. Điều kiện thời tiết bất lợi khiến nông dân nước này không muốn bán hàng, đẩy giá cà phê lên cao. Hiện tại, khoảng 85% sản lượng đã được bán, nhưng phần còn lại chưa được tung ra thị trường.
Một số nhà phân tích tin rằng vụ thu hoạch sắp tới của Brazil có thể tốt hơn kỳ vọng, nhưng vẫn chưa đủ để đảo ngược tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Công ty môi giới Hedgepoint dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2025/26 có thể đạt 64,1 triệu bao, nhỉnh hơn so với mức ước tính 63,4 triệu bao của năm trước.
Bên cạnh Brazil, Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới – đang được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực nguồn cung. Giá cà phê Robusta, loại cà phê có giá rẻ hơn Arabica và chủ yếu dùng để pha cà phê hòa tan, cũng tăng 2,4% lên 5.697 USD/tấn trong phiên gần nhất, sau khi đạt mức cao kỷ lục 5.840 USD/tấn vào cuối tháng 1.
Việc giá cà phê Robusta tăng mạnh khiến giới đầu tư kỳ vọng vào sản lượng từ Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng thời tiết khô hạn do hiện tượng El Niño cũng đang đe dọa các vùng trồng cà phê của nước này.
Không chỉ cà phê, một số hàng hóa khác cũng có biến động mạnh trên thị trường. Giá ca cao tại New York giảm 2,3% xuống còn 9.878 USD/tấn sau khi mất 7% trong tuần trước, trong khi giá ca cao tại London giảm 1,7% xuống 7.919 USD/tấn. Trong khi đó, giá đường thô tương lai tăng 0,7% lên 19,50 cent/pound, còn giá đường trắng nhích nhẹ 0,3% lên 519,40 USD/tấn.
Giới phân tích nhận định, nếu tình hình nguồn cung không sớm được cải thiện, giá cà phê có thể tiếp tục leo thang, gây áp lực lớn lên ngành công nghiệp đồ uống và các chuỗi cửa hàng cà phê trên toàn cầu.
>> Loại hạt ăn vặt bán đầy siêu thị, hóa ra là 'siêu thực phẩm' cực tốt cho sức khỏe
Giá cà phê hôm nay 11/2/2025: cà phê 2 sàn tăng mạnh, Arabica gây sốc
Cà phê Việt Nam xuất khẩu giảm mạnh, doanh thu vẫn lập kỷ lục nhờ giá tăng cao