Giá vé máy bay Tết tiếp tục căng như dây đàn, có chặng hết nhẵn một số ngày cao điểm. Trước tình thế đó, các hãng hàng không gấp rút bổ sung thêm máy bay và tăng tải cung ứng.
Chặng hết nhẵn, chặng giá cao kỷ lục
Theo ghi nhận của PV. VietNamNet ngày 11/12, giá vé máy bay Tết Nguyên đán 2024 trên một số chặng bay nội địa vẫn cao ngất ngưởng. Nhiều hành khách choáng váng, lo lắng và phải tính toán để chọn cách về quê ăn Tết sao cho tiết kiệm nhất trong thời buổi khó khăn.
Cụ thể, những ngày nghỉ Tết, từ 8-14/2/2024 (tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) giá vé máy bay rất căng thẳng. Cụ thể, trên chặng bay trục TP.HCM - Hà Nội, nếu khách chấp nhận bay lúc nửa đêm về từ sáng sớm mới có giá 5,8 triệu đồng/vé khứ hồi (đã gồm thuế, phí) của Vietravel Airlines . Mức giá này lên tới 7,2 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines khung giờ đẹp.
Chặng này vẫn còn nhiều chỗ do là đường bay đông khách, có nhiều chuyến nhất nhưng so với ngày thường, mức giá trên đắt gấp rưỡi đến gấp đôi.
Căng hơn cả là chặng bay từ TP.HCM ra Vinh (Nghệ An) và Thanh Hóa khi giá vé luôn ở mức trên 7-7,2 triệu đồng/vé khứ hồi, kể cả giờ bay “nửa đêm gà gáy”, một phần do số chuyến bay chặng này cũng ít hơn. Giá vé phổ thông hầu như hết nhẵn, chỉ còn vé hạng thương gia.
Khách bay chặng TP.HCM - Hải Phòng giá vé gần 7 triệu đồng, riêng bay từ TP.HCM đến Vân Đồn (Quảng Ninh) không có chuyến bay, chỉ còn một số chỗ của Vietnam Airlines ngày 6-8-10/2/2024 với giá cao ngất ngưởng từ 6,75-8,238 triệu đồng.
Đặc biệt, chặng TP.HCM - Quy Nhơn một số chuyến bay đi ngày cao điểm 6-8/12 cũng hết nhẵn, chỉ còn ít chỗ ngày 9/2/2024 giá tầm 2,4 triệu của Vietnam Airlines hoặc Bamboo Airways; chuyến bay chiều về cũng hết sạch các ngày từ 13-16/2/2024, nếu còn thì giá cũng “trên trời” gần 4,5 triệu đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí).
Khảo sát của PV cho thấy, trên một số chặng, giá vé máy bay đang hết nhanh và đắt lên từng ngày, nhất là các chặng từ TP.HCM đi Quy Nhơn, Vinh, Thanh Hóa, Chu Lai (Quảng Ngãi),...
Giá vé máy bay Tết không ngừng tăng buộc người lao động phải cân nhắc, tính toán để số tiền mua vé về quê tiết kiệm nhất. Gia đình chị Mai Thu Hồng (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) quê ở Chương Mỹ (Hà Nội) gồm 2 vợ chồng, 2 con kêu trời vì nếu đi máy bay, tổng số tiền chị phải bỏ ra lên tới 24-25 triệu đồng; trong khi mua vé tàu SE8 chỉ vào khoảng 16 triệu. Tuy nhiên, do lăn tăn mua muộn nên vé tàu Tết đã hết, chị đang tìm cách mua vé ô tô, chấp nhận đi lâu hơn và vất vả.
Hàng không gấp rút thuê máy bay, tăng tải cung ứng
Nhu cầu cao, dồn vào một số ngày trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và một số chặng bay đông người lao động về quê ăn Tết là lý do khiến giá vé máy bay Tết lúc nào cũng căng như dây đàn.
Đặc biệt, theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), do nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao và dồn vào những ngày bay, khung giờ đẹp nên có những ngày hết chỗ sớm hơn và giá vé đương nhiên sẽ cao hơn.
Ngoài ra, do giai đoạn bay Tết có tính chất đặc thù khách chỉ đông một chiều, một chiều rỗng nên giá cao cũng là để các hãng hàng không bù đắp chi phí hai chiều nhưng vẫn không cao hơn giá trần, Cục Hàng không giải thích.
Thống kê từ các hãng bay, đến nay, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phía Bắc dịp Tết Nguyên đán 2024 (chiều đi) đạt 40-50%, trong khi ở chiều ngược lại chỉ khoảng 10%. Cục Hàng không dự kiến mặt bằng giá vé Tết 2024 chỉ tương đương năm 2023.
Ngoài ra, theo lý giải của các hãng, giá vé máy bay Tết năm nay tăng cao còn bởi số lượng tàu bay giảm nhiều. Trừ số lượng máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air khá ổn định thì các hãng Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Pacific Airlines đều thu hẹp đội tàu bay.
Điển hình là Bamboo Airways, do đang tái cấu trúc nên từ gần 30 tàu bay hãng thu hẹp còn 15 máy bay (tính đến cuối tháng 10); Pacific Airlines còn 8 tàu bay, Vietravel Airlines còn 3.
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đi lại đang quá tải vào dịp Tết, hàng không Bamboo Airways vừa ký hợp đồng thuê thêm 2 tàu bay Airbus A320/A321, đưa vào khai thác từ 1/1/2024, tăng thêm hơn 20% tải cung ứng cho dịp Tết. Hãng tập trung tăng tần suất trên đường bay trục chính Hà Nội - TP.HCM, chặng từ TP.HCM/Hà Nội đi Đà Nẵng, đặc biệt là các đường bay TP.HCM - Vinh/Thanh Hóa/Hải Phòng...
Vietnam Airlines Group cũng thông báo tăng gần 550 chuyến, với hơn 100.000 chỗ, nâng tổng số lên thành 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết từ 25/1 đến 24/2/2024 (tức từ ngày 15 tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng), tập trung vào các đường bay đông đúc.
Trong giai đoạn cao điểm Tết, Cục Hàng không vừa quyết định tăng tham số cất hạ cánh và dịch vụ điều hành bay lên 40 slot/giờ vào ban ngày tại sân bay Nội Bài.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng tham số điều phối slot lên 44 slot/giờ vào ban ngày (06h00-23h55) và 40 slot/giờ khung giờ ban đêm (00h00-05h55).
Như vậy, tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng thêm là 2.604 slot, trung bình 84 slot/ngày và thêm 520.800 ghế, trung bình 16.800 ghế/ngày. Tại sân bay Nội Bài cũng tăng thêm là 1.674 slot, trung bình 54 slot/ngày và cung ứng thêm 334.800 ghế, trung bình 10.800 ghế/ngày.
Trước đó, Cục Hàng không đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không trong nước phối hợp với cơ quan này báo cáo kế hoạch bay Tết, đặc biệt kế hoạch tăng chuyến bay đêm để các cảng hàng không, các đơn vị phục vụ mặt đất bố trí, sắp xếp nguồn lực phục vụ, đặc biệt là bố trí vị trí đậu tàu bay ban đêm nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân vào dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Giá vé bay nội địa vẫn thấp so với khu vực Trước các ý kiến cho rằng mặc dù trong giai đoạn thấp điểm nhưng giá vé máy bay tại hầu hết đường bay nội địa vẫn khá cao, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện đều thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé... Đối với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT đã có Thông tư số 17 về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và mới đây là Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17. Theo cơ quan này, các hãng hàng không Việt Nam đều bán vé máy bay nội địa với mức giá "phù hợp với nhu cầu của hành khách và nằm trong khung giá quy định tại các thông tư trên". So sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực, Cục Hàng không nhận xét, giá vé tính theo km tại Việt Nam vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Ví dụ, chặng Hà Nội - TP.HCM mức giá/km cao nhất chỉ khoảng 0,11 USD/km, trong khi chặng Bangkok - Chiangmai cao nhất là 0,22 USD/km của Thai Airways (gấp đôi Việt Nam); chặng Bắc Kinh - Thượng Hải là 0,27 USD/km của Air China; chặng Pusan- Jeju 0,32 USD/km của Asiana Airlines... |