Giá xăng dầu hôm nay 18/8: Lấy lại đà tăng
Giá xăng dầu hôm nay 18/8 trên thị trường thế giới lấy lại đà tăng sau khi giảm liên tiếp từ đầu tuần. Giá dầu đi lên do lực mua bắt đáy cùng với rủi ro nguồn cung thắt chặt.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 18/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 30 đồng/lít, giá bán là 22.820 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 30 đồng/lít, giá bán lên mức 23.990 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.610 đồng/lít, giá lên mức 21.880 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.990 | + 30 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.820 | + 30 |
Dầu diesel | 22.420 | + 1.810 |
Dầu hỏa | 21.880 | + 1.610 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 18/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 18/8 lấy lại đà tăng sau khi giảm liên tiếp từ đầu tuần.
Vào ngày 17/8, giá xăng dầu giảm nhẹ vào đầu phiên nhưng sau đó quay đầu tăng.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h36' ngày 17/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 83,44 USD/thùng, giảm 0,01 USD, tương đương 0,01% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,3 USD/thùng, giảm 0,08 USD, tương đương 0,1% so với phiên liền trước.
Đến 21h16' ngày 17/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 84,49 USD/thùng, tăng 1,04 USD, tương đương 1,25% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 80,58 USD/thùng, tăng 1,2 USD, tương đương 1,51% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá xăng dầu đi lên nhờ lực mua bắt đáy ở vùng giá thấp sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Cùng với đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 16/8 cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm gần 6 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 11/8 do xuất khẩu và tốc độ lọc dầu mạnh mẽ. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm khiêm tốn, chỉ 300.000 thùng, còn tồn kho các sản phẩm chưng cất lại tăng 300.000 thùng.
Ngoài ra, rủi ro nguồn cung thắt chặt cũng nâng đỡ giá dầu. Nhiều chuyên gia nhận định, việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga, hai thành viên quan trọng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, lực cản cho giá dầu hiện nay vẫn là đà tăng trưởng kinh tế kém sắc của Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm yếu nhu cầu nhiên liệu tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Trong tháng 7, doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số liệu đầu tư của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư, làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn của nước này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất lần thứ hai trong ba tháng qua. Nhưng giới phân tích lo ngại rằng động thái này là chưa đủ để vực dậy nền kinh tế.
Trong khi đó, tại Mỹ, biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố ngày 16/8 cũng tác động tiêu cực lên giá dầu. Theo đó, các quan chức Fed không đưa ra tín hiệu mạnh mẽ về khả năng dừng tăng lãi suất mà vẫn tiếp tục ưu tiên chống lạm phát.
Lãi suất đi lên khiến chi phí đi vay của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp tăng, từ đó có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu mỏ.