Giá xăng dầu hôm nay 28/2/2024 trên thị trường quốc tế tiếp đà đi lên từ phiên đầu tuần, trước các rủi ro về nguồn cung. Giá dầu Brent đã tiến sát mốc 83 USD/thùng.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 28/2/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 28/2 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 22/2. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống 22.470 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm còn 23.590 đồng/lít.
Giá dầu diesel hạ về 20.910 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm về mức 20.920 đồng/lít.
>> Giữa cơn bão tài chính, cha mẹ không ngại đầu tư giáo dục cho con
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 22/2 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.590 | - 320 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.470 | - 360 |
Dầu diesel | 20.910 | - 450 |
Dầu hỏa | 20.920 | - 300 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 28/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 28/2 tiếp tục đà tăng từ đầu tuần.
Trong phiên 27/2, giá dầu tiếp đà đi lên sau khi tăng hơn 1% vào phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 21h12' ngày 27/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,83 USD/thùng, tăng 0,3 USD, tương đương 0,36% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 78 USD/thùng, tăng 0,42 USD, tương đương 0,54% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng lên trước các rủi ro về nguồn cung.
Tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ vẫn bị đe dọa bởi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Những cuộc tấn công của lực lượng này vào các tàu trên vùng biển này gây lo ngại về sự gián đoạn hoạt động vận tải hàng hóa đã đẩy giá dầu lên.
Thực tế, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu trên Biển Đỏ thời gian qua đã làm tăng giá cước vận chuyển hàng hóa và kéo dài thời gian vận chuyển.
Cùng với đó, thông tin Nga cấm xuất khẩu xăng cũng hỗ trợ giá dầu.
Reuters thông tin, ngày 27/2, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã phê duyệt lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3. Lệnh cấm được đưa ra nhằm bình ổn giá và tạo điều kiện cho các nhà máy lọc dầu của nước này thực hiện bảo dưỡng.
Vào tháng 9/2023, Nga cũng áp lệnh cấm bán xăng dầu ra nước ngoài, do nguồn cung nội địa khan hiếm và giá nhiên liệu cao.
Nhưng đến tháng 10/2023, Nga nới lỏng lệnh cấm bán dầu diesel. Tới tháng 11/2023, nước này dỡ bỏ lệnh cấm với xăng. Lý do là việc duy trì sản lượng lọc dầu ở mức cao giúp nguồn cung trong nước đảm bảo và giá bán buôn giảm.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu được đánh giá dần khởi sắc khi giai đoạn mùa đông sắp qua đi.
Tại Mỹ, tồn kho dầu của nước này có thể bắt đầu giảm trong những tuần tới do các nhà máy lọc dầu hoạt động trở lại sau giai đoạn đại tu.
Theo Reuters, Ngân hàng Goldman Sachs vừa nâng dự báo mức đỉnh trong mùa hè của giá dầu Brent sẽ thêm 2 USD lên 87 USD/thùng do ảnh hưởng của sự gián đoạn hoạt động vận tải thương mại ở Biển Đỏ.
Goldman Sachs cũng kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ thông báo gia hạn cắt giảm sản lượng dầu vào đầu tháng 3 tới.
>> Yếu tố giúp PNJ trở thành ‘Nhà tuyển dụng được yêu thích nhất 2023’