Giá xăng dầu hôm nay 28/5: tăng tốc do lạm phát
Loạt dữ liệu lạm phát ở châu Âu được công bố, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng tốc.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên khá trầm lắng do ảnh hưởng bởi các ngày nghỉ lễ của Anh và Mỹ, giá dầu tăng hơn 1%.
Giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 1 USD, tương đương 1,2%, lên mức 83,12 USD/thùng. Hợp đồng Brent giao tháng 8 tăng 1,04 USD lên mức 82,88 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 93 cent lên mức 78,65 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent đã giảm khoảng 2%, dầu WTI giảm gần 3% sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy một số quan chức sẽ sẵn sàng tăng lãi suất nếu thấy cần thiết để kiểm soát lạm phát vẫn ở mức cao.
Người sáng lập cơ quan phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights Vandana Hari nhận xét, tâm lý trong tổ hợp dầu mỏ… đã trở nên không ổn định khi các nhà đầu tư liên tục điều chỉnh lại kỳ vọng về quỹ đạo chính sách tiền tệ của Fed.
Dữ liệu gần đây từ các nền kinh tế phương Tây đã làm thay đổi kỳ vọng cắt giảm lãi suất tại châu Âu.
Ngày 27/5, các nhà hoạch định chính sách chủ chốt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ngân hàng này có khả năng cắt giảm lãi suất khi lạm phát chậm lại nhưng phải cần thời gian để nới lỏng chính sách.
Dữ liệu về lạm phát ở Khu vực đồng euro sẽ được công bố vào thứ 6. Các nhà kinh tế tin rằng, lạm phát tăng cũng sẽ không ngăn cản ECB nới lỏng chính sách vào ngày 6/6.
ECB đặt mục tiêu đưa lạm phát, hiện đang ở mức 4%, trở về mức 2% vào năm 2025.
Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 31/5, sẽ là tâm điểm cho những tín hiệu tiếp theo về chính sách lãi suất của Fed. Chỉ số PCE được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Dữ liệu lạm phát của Đức được công bố vào ngày mai và dữ liệu lạm phát ở khu vực đồng euro được công bố vào thứ 6 cũng sẽ được các nhà đầu tư theo dõi sát sao để tìm kiếm các dấu hiệu cắt giảm lãi suất ở châu Âu.
Cuộc họp trực tuyến vào ngày 2/6 của OPEC+ cũng sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Các nguồn tin của OPEC+ cho biết, việc gia hạn cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày là kết quả có thể xảy ra.
Ngày 27/5, Goldman Sachs đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2030 và dự kiến mức tiêu thụ sẽ đạt đỉnh vào năm 2034 do khả năng sử dụng xe điện chậm lại.