Giải mã cách Hàn Quốc làm giàu từ ngành công nghiệp K-pop

01-07-2023 13:28|Thuỷ Tiên

Không chỉ đơn thuần là âm nhạc, giải trí và truyền bá văn hóa, sự tồn tại của ngành công nghiệp K-pop còn hiện lên dưới lăng kính kinh tế ngày càng rõ nét.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định: "Ngay cả khi bạn không biết tên tôi, bạn vẫn sẽ biết đến BTS và BlackPink".

Ngày nay, các nhóm nhạc Hàn Quốc không chỉ là biểu tượng văn hóa, là cách thể hiện quyền lực mềm của Hàn Quốc mà còn là cỗ máy kiếm tiền của các công ty lớn, góp phần thúc đẩy GDP nước nhà.

Concert “cháy vé”, những album được tẩu tán nhanh chóng, những hợp đồng quảng cáo tỷ đô với các thương hiệu, nhãn hàng xa xỉ… Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc luôn biết cách “làm kinh tế” để làm giàu cho quốc gia.

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp K-pop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho đất nước mỗi năm.

Năm 2004, làn sóng K-pop, mở rộng ra hơn nữa là làn sóng Hallyu, đóng góp 0,2% GDP của Hàn Quốc, tức xấp xỉ 1,87 tỷ USD. Thế nhưng tới năm 2021, sự phổ biến toàn cầu của K-pop giúp Hàn Quốc kiếm được khoảng 12,45 tỷ USD.

Thị trường sự kiện K-pop được định giá 8,1 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính đạt 20 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,3% từ năm 2023 đến năm 2031.

"Cỗ máy in tiền"

K-pop vẫn đang trên đà chứng tỏ sức mạnh của một nền công nghiệp âm nhạc bài bản, chuyên nghiệp. BTS, BlackPink là 2 đại diện sáng giá nhất giúp K-pop lan tỏa khắp thế giới.

Theo kết quả của Viện nghiên cứu Hyundai (HRI), đóng góp của BTS vào GDP Hàn Quốc tương đương với hãng hàng không quốc gia Korean Air. Theo báo cáo năm 2019, hiệu quả kinh tế tổng của BTS là 5.560 tỷ won (khoảng 4,5 tỷ USD).

Billboard cũng công bố BTS là một trong 5 ngôi sao âm nhạc kiếm nhiều tiền nhất thế giới năm 2022, với doanh thu khoảng 30 triệu USD.

Trong khi BTS đang chững lại vì quy định nhập ngũ, BlackPink tiếp tục hoạt động tích cực, trở thành đại diện tiêu biểu của ngành công nghiệp âm nhạc.

Giải mã cách Hàn Quốc làm giàu từ ngành công nghiệp K-pop
"Biển hồng" từ người hâm mộ tham dự concert Born Pink hồi tháng 1 tại Bangkok, Thái Lan.

Chỉ tính riêng tour diễn vòng quanh thế giới Born Pink được khởi động từ cuối năm ngoái, đến nay đã đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, với hơn 900.000 vé tiêu thụ. Nhóm sẽ mang Born Pink đến Việt Nam vào cuối tháng 7 tới.

Trung bình mỗi đêm diễn, nhóm nhạc này thu về hơn 4 triệu USD với khoảng 22.600 khán giả. Các con số kể trên chưa gồm 24 đêm diễn chưa được thống kê.

Thành tích giúp Blackpink trở thành nhóm nhạc nữ có tour lưu diễn đạt doanh thu cao nhất, vượt qua kỷ lục của Spice Girls (78,2 triệu USD), TCL (72,8 triệu USD), Destiny's Child (70,8 triệu USD).

Ngoài BTS và BlackPink, nhiều nhóm nhạc K-pop khác như EXO, TWICE, Seventeen,… cũng kiếm được những khoản tiền khổng lồ thông qua việc phát hành album, quảng bá tại quê nhà hay đi tour vòng quanh thế giới mỗi năm.

Kích cầu các lĩnh vực kinh tế khác

Việc làn sóng văn hoá K-pop trở thành một hiện tượng toàn cầu cũng dẫn đến sự quan tâm rộng rãi hơn đến Hàn Quốc, từ du lịch, học tiếng Hàn cho đến mức độ quan tâm đến thời trang và ẩm thực Hàn Quốc, gián tiếp kích cầu kinh tế cho nước này.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai, với mỗi 1% tăng trưởng trong xuất khẩu sản phẩm văn hóa, xuất khẩu hàng tiêu dùng nói chung của Hàn Quốc cũng tăng thêm 0,03%, đóng góp đáng kể cho kinh tế nước này.

Thậm chí, sự thành công của một nhóm nhạc cũng có tác động đáng kể lên thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Hé lộ mức tài sản ròng triệu đô của Blackpink

Nhờ vào giá trị tăng vọt của BlackPink, giá trị cổ phiếu của công ty chủ quản YG Entertainment cũng đạt mức “đỉnh” mới trong 52 tuần vào ngày 12/5. Cụ thể, YG đạt mức giao dịch cổ phiếu là 75.600 won, tăng 8.900 won (13,34%) so với mức giao dịch của ngày trước đó.

K-pop cũng kích thích kinh tế Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy du lịch. Người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Hàn Quốc để xem show diễn và trải nghiệm trực tiếp nền văn hóa này.

Chỉ tính riêng năm 2017, cứ 13 khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc thì có 1 người hâm mộ BTS.

Ngoài du lịch, nhu cầu học tiếng Hàn cũng tăng cao. Năm 2022, tiếng Hàn là ngôn ngữ châu Á được học nhiều thứ hai trên ứng dụng học ngoại ngữ miễn phí Duolingo, chỉ sau tiếng Nhật

Theo Hãng thông tấn Yonhap, nhiều quốc gia - bao gồm Lào, Thái Lan và Myanmar - đã đưa tiếng Hàn vào chương trình giảng dạy chính thức.

Còn Học viện Vua Sejong - do chính phủ Hàn Quốc thành lập nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa xứ Hàn - đã mở 244 trung tâm dạy Hàn ngữ khắp toàn cầu.

Quốc gia châu Á công bố ngân sách 'khủng' 512 tỷ USD, đặt cược vào K-pop và công nghệ bán dẫn

Năm đại thành công của nền âm nhạc K-Pop

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-ma-cach-han-quoc-lam-giau-tu-nganh-cong-nghiep-k-pop-190165.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giải mã cách Hàn Quốc làm giàu từ ngành công nghiệp K-pop
    POWERED BY ONECMS & INTECH