Tài chính Ngân hàng

Giải mã dòng tiền qua kênh tín phiếu: vòng xoay tiền sẽ đến đâu?

Hồ Nga 18/10/2023 03:00

Hút tiền qua kênh tín phiếu đang là chủ đề nóng trên thị trường tài chính hiện nay.

9.jpeg

Trong gần một tháng vừa qua, Ngân hàng nhà nước liên tục tung động thái hút tiền qua kênh tín phiếu. Động thái này đã tác động lớn đến thị trường tài chính. Việc hút tiền qua kênh tín phiếu thực hiện ồ ạt sau gần nửa năm tạm ngừng càng khiến thị trường có những diễn biến khác nhau.

NHNN liên tục hút tiền qua kênh tín phiếu

Thống kê cho thấy, từ phiên đầu tiên 21/9 đến nay đã có khoảng 243.000 tỷ đồng tín phiếu được phát hành. Lãi suất tín phiếu trúng thầu cũng biến động tùy phiên, có lúc lên cao đến 1,3% cũng có lúc giảm sâu xuống dưới 0,5%.

Một trong những nguyên nhân chính thường được nhắc tới khi các đợt tín phiếu được phát hành là “hút tiền thừa ra khỏi hệ thống”. Vậy hiểu thế nào cho đúng?

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các ngân hàng Trung ương trên Thế giới đang duy trì lãi suất cao khiến chỉ số USD tăng cao trở lại.

Ở trong nước, dù lạm phát bình quân 9 tháng ở nức 3,16% nhưng vẫn đang tăng dù tăng chậm, bình quân 9 tháng đầu năm khoảng 4,49%. Tuy nhiên vấn đề việc hút tiền qua kênh tín phiếu chỉ đóng vai trò điều tiết trong ngắn hạn, không có chức năng đưa tiền ra khỏi nền kinh tế.

Giải mã nguyên nhân vì sao ngân hàng nhà nước dùng kênh tín phiếu hút tiền
Hơn 243.000 tỷ đồng đã được "hút" ra qua kênh tín phiếu

Giải mã nguyên nhân vì đâu NHNN lại phải hút tiền

Câu trả lời cho việc NHNN hút tiền thừa nằm ở tỷ giá. Nói đến thanh khoản, đến dòng tiền vào thị trường, trước hết sẽ nhắc đến tỷ giá. Đồng USD tăng mạnh đã khiến tỷ giá USD/VND liên tục leo thang.

Tỷ giá – là tỷ lệ giữa giá trị của một đơn vị tiền tệ của một quốc gia với đơn vị tiền tệ của một quốc gia khác – mà ở đây chúng ta đang nói đến là tỷ giá USD/VND. Tỷ giá này có thể liên tục thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế chung.

Những biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung, đặc biệt là đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu đồng tiền của một quốc gia giảm so với đối tác thương mại, sản phẩm của quốc gia đó sẽ trở nên rẻ hơn trên thị trường, điều này có thể làm tăng sản lượng xuất khẩu và làm giảm sản lượng nhập khẩu. Tuy nhiên hệ lụy là, nếu đồng tiền quá rẻ, có thể dẫn tới việc doanh nghiệp trong nước bị tăng giá nguyên vật liệu, làm tăng chi phí sản xuất. Còn nếu đồng tiền quá cao, sự ảnh hưởng sẽ ngược lại.

Lãi suất – là khoản phí mà ngân hàng trả cho người gửi tiết kiệm, hay khoản phí mà người đi vay phải trả cho ngân hàng. Có thể hình dung, khi nguồn cung tiền thừa, lãi suất cho vay sẽ giảm xuống; còn khi nhu cầu tăng cao, lãi suất cho vay cũng tăng mạnh.

Đầu năm nay, sau 4 lần liên tiếp hạ lãi suất nhằm kích cầu người vay, lượng tiền dư thừa trong hệ thống liên ngân hàng vẫn còn nhiều. Trong khi đó FED vẫn đang bỏ ngỏ khả năng hạ lãi suất. Thừa tiền, đồng tiền mất giá sẽ tạo sức ép lên tỷ giá. Sức ép tỷ giá lên đến mức độ nhất định, NHNN phải nhanh chóng vào cuộc.

Có 3 phương án để hạ sức ép tỷ giá có thể thực hiện là hút tiền về bằng kênh tín phiếu, can thiệp tỷ giá hoặc tăng lãi suất.

Giải mã nguyên nhân vì sao ngân hàng nhà nước dùng kênh tín phiếu hút tiền
Tỷ giá liên tục leo thang trong nửa năm qua.

Giải mã dòng tiền: vòng xoay tiền sẽ đi về đâu?

Trên thực tế, nếu dùng biện pháp can thiệp tỷ giá, sẽ dẫn tới mất ngoại tệ. Trong khi đó đang cần ổn định kinh tế vĩ mô, trợ lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.

“Các quốc gia phải đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối để đối phó với lượng dòng tiền chảy ra và tình hình phức tạp có thể diễn ra trong tương lai” – các chuyên gia nhận định.

Nếu dùng biện pháp tăng lãi suất, thời điểm này lại càng không phù hợp khi tăng trưởng kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tăng lãi suất là không khả thi.

Lựa chọn tối ưu là dùng kênh tín phiếu hút tiền về. Dòng tiền điều chỉnh qua kênh tín phiếu là dòng tiền ngắn hạn. Có thể hiểu, NHNN "hút" tiền dư thừa trong hệ thống về, lưu trữ tại đó và trả về hệ thống ngay khi đến dịp.

Ngay khi có cơ sở, ngay khi chính sách tiền tệ thời gian vừa qua đã “ngấm” vào nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể hấp thụ được, dòng tiền sẽ nhanh chóng quay trở lại, chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do vậy, những ngành nghề sản xuất kinh doanh cơ bản, với những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng - sẽ là đích đến của dòng tiền thông minh trong thời gian tới.

Một câu hỏi lớn đặt ra là, các đợt tín phiếu phát hành đều có kỳ hạn 28 ngày. Vậy sau 28 ngày sẽ ra sao?

Những lô tín phiếu phát hành đầu tiên chỉ vài ngày nữa đáo hạn, lượng tiền lớn sẽ lại đổ trở vào thị trường mà nền kinh tế chưa kịp “ngấm” các chính sách. Vậy sẽ ra sao? Ngân hàng nhà nước sẽ lại tiếp tục phát hành tín phiếu “vòng 2” để hút lại lượng tiền đã quay đủ vòng hay sẽ có quyết sách mới?

Trên thực tế, thông tin đấu thầu cho thấy các đợt phát hành tín phiếu vừa qua, lãi suất tín phiếu cũng đã giảm sâu, thậm chí nhiều phiên còn không trúng thầu hết số tín phiếu dự kiến phát hành – nguyên nhân do đâu? Các chuyên gia cho rằng động thái hút tiền qua tín phiếu đã thực sự có tác động trong những phiên đầu, tuy vậy vẫn chưa thể giải quyết vấn đề tỷ giá, vòng quay tiền vẫn sớm trở lại thị trường.

Dòng chảy lịch sử

Một câu hỏi đặt ra, trong lịch sử, NHNN đã dùng những phương án nào để điều hành tỷ giá? Câu trả lời dẫn nhà đầu tư trở lại thời gian chưa lâu, khoảng 1 năm trước đó. Đúng 1 năm trước, giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 thị trường tài chính Việt Nam cũng từng chứng kiến biến động tỷ giá mạnh, thậm chỉ tỷ giá còn lên cao hơn thời điểm hiện tại.

Thời điểm đó, thế giới cũng đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Đặc biệt, ở Mỹ, lãi suất đã tăng lên đáng kể để đối phó với lạm phát cao hơn. Lãi suất cao hơn ở Mỹ và những lo ngại về kinh tế toàn cầu đã khiến đồng USD mạnh lên. Nhiều đồng tiền đã giảm giá so với đô la Mỹ.

Giải mã nguyên dòng tiền qua kênh tín phiếu: vòng xoay tiền sẽ đến đâu?
Diễn biến tỷ giá: năm 2022 tỷ giá từng biến động mạnh

Tuy vậy khi lãi suất ngân hàng tăng, cộng với đó loạt chính sách tài khóa được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực tỷ giá, và đã duy trì ổn định được đến nay. Thậm chí, tỷ giá usd/vnd hiện tại còn thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái.

Hầu hết các chuyên gia cũng cho rằng diễn biến thị trường tiền tệ hiện tại chưa có yếu tố đáng lo ngại quá mức cần thiết.

GS.TS Trần Ngọc Thơ còn cho rằng “hãy để cho thị trường có tiếng nói nhiều hơn”.

Hơn 243.000 tỷ đồng tín phiếu tung ra, lãi suất liên ngân hàng tăng gấp đôi

Phản ứng tức thì của Ngân hàng Nhà nước trước diễn biến ‘nóng’ của đồng USD

Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu phiên 22/10

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-ma-dong-tien-qua-kenh-tin-phieu-vong-xoay-tien-se-den-dau-206262.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giải mã dòng tiền qua kênh tín phiếu: vòng xoay tiền sẽ đến đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH