Giải pháp đưa sầu riêng sớm trở lại đường đua xuất khẩu
Việc đưa sầu riêng sớm trở lại đường đua không chỉ là yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp nước ta, mà còn là chiến lược then chốt để giữ vững vị thế của sầu riêng Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
Ngành sầu riêng gặp khó do Trung Quốc siết kiểm soát chất lượng
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua và đang vươn lên trở thành mặt hàng chủ lực trong ngành rau quả của Việt Nam, đặc biệt là sau khi nước ta được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc kể từ tháng 7/2022.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 493.000 tấn sầu riêng, với tổng giá trị đạt 2,1 tỷ USD, tương đương tăng vọt 1.107% về lượng và tăng 1.035,5% về trị giá so với năm 2022. Điều này khiến thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch năm 2023 đạt mức 34,6%, tăng mạnh so với mức 4,9% của năm 2022.
Đà tăng trưởng tiếp tục được nối tiếp trong năm 2024. Theo đó, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam lần đầu tiên phá kỷ lục với kim ngạch xuất khẩu lên tới 3,3 tỷ USD và khối lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương tăng 46% về lượng và tăng 43% về giá trị so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính, chiếm gần 91% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta, đạt hơn 2,9 tỷ USD trong năm 2024. .
Như vậy, chỉ trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 28 lần, từ 116 triệu USD vào năm 2020 lên 3,2 tỷ USD trong năm 2024, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành sầu riêng nước ta sau khi mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ này, ngành nông nghiệp Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sầu riêng năm 2025 đạt 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, ngành sầu riêng nước ta đã đánh mất vị thế do chưa vượt qua được những rào cản kiểm soát chất lượng từ phía Hải quan Trung Quốc (GACC). Theo đó, xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang Trung Quốc đã chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng, kéo kết quả xuất khẩu của toàn ngành rau quả đi xuống.
![]() |
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 |
Cụ thể, tính trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt khoảng 120-130 triệu USD, tương đương 35.000 tấn - chỉ đạt 20% so với kế hoạch đề ra. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và kéo tụt giá trị toàn ngành. Nguyên nhân là vì từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về kiểm soát chất lượng như dư lượng chất cadmium, vàng O (Auramine O) và truy xuất nguồn gốc được siết chặt đã khiến nhiều lô hàng không đạt chuẩn bị trả về, tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ.
Việc Trung Quốc siết chặt quy trình kiểm tra không chỉ khiến sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp. Tại nhiều vùng trồng, giá sầu riêng đang giảm mạnh từ 30 đến 50% so với trước. Tại khu vực Đông Nam Bộ: giá sầu riêng Ri6 loại A giá từ 55 đến 58 nghìn đồng/kg, loại B giá từ 35 đến 38 nghìn đồng/kg; sầu riêng Thái loại A giá 90 đến 95.000 đồng/kg, loại B giá từ 70 đến 75.000 đồng/kg, loại C giá từ 50.000 đồng/kg.
Không để sầu riêng Việt "trễ nhịp"
Trước tình hình xuất khẩu sầu riêng gặp khó, Việt Nam cần sớm đưa ra những biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng sầu riêng, tái cơ cấu và nâng cao năng lực kiểm soát toàn chuỗi. Nếu không, ngành sầu riêng sẽ rơi vào nguy cơ mất thị phần, đánh mất lòng tin của khách hàng quốc tế và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam nói chung.
Thứ nhất, tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, do nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sầu riêng lao dốc là do Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng. Đây là điểm yếu lớn nhất khiến sầu riêng nước ta bị từ chối tại cửa khẩu.
Số liệu thực tế cho thấy từ năm 2015 đến 2024, diện tích trồng sầu riêng Việt Nam tăng nhanh, từ 32.000ha lên hơn 178.000ha, trung bình tăng hơn 16.300ha mỗi năm. Sản lượng cũng tăng mạnh, đạt hơn 1,5 triệu tấn năm 2024, tương đương tăng trung bình 126.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển nóng này gây ra nhiều thách thức. Công nghệ bảo quản, chế biến vẫn còn đơn giản, chủ yếu dựa vào xuất khẩu tươi hoặc đông lạnh. Quản lý chất lượng yếu kém, pháp lý chưa đồng bộ, sự tham gia của địa phương chưa rõ ràng, nhận thức của vùng trồng và doanh nghiệp còn hạn chế.
Để khắc phục, các giải pháp cần được triển khai và đẩy nhanh tiến độ như xây dựng mô hình kiểm soát cadmium, chất vàng O trong canh tác; kiểm soát chất cấm ngay tại vùng trồng; quản lý chặt vật tư đầu vào; hoàn thiện quy định về mã số vùng trồng; cơ sở đóng gói và phòng thử nghiệm...
Về dài hạn, các bộ ngành cần phối hợp với địa phương và doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; hoàn thiện pháp lý và quy trình kiểm soát toàn chuỗi giá trị; nâng cao năng lực kiểm tra an toàn thực phẩm và phòng thử nghiệm; đồng thời tổ chức đoàn công tác cấp bộ sang Trung Quốc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Thứ hai, bên cạnh việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra, nguyên nhân khiến xuất khẩu sụt giảm cũng xuất phát từ phía quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm chưa đồng bộ. Việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ Trung Quốc. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo hướng minh bạch cũng là giải pháp ưu tiên hàng đầu.
Thực tế, hiện chỉ có khoảng 20% diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Trong khi đó, từ năm 2024, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, yêu cầu tất cả lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm cadimi và hoạt chất vàng O. Nếu phát hiện tồn dư các chất này, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói liên quan sẽ lập tức bị đình chỉ xuất khẩu. Đến nay, đã có 55 mã số vùng trồng và 61 cơ sở đóng gói bị thu hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5 về nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm tra, công nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và phòng thử nghiệm đạt chuẩn, nhằm tạo thuận lợi cho sầu riêng Việt Nam vào thị trường này. Bộ cũng chỉ đạo bố trí đủ nhân lực và thiết bị kiểm dịch tại cửa khẩu, nâng cao năng lực phòng thử nghiệm phục vụ xuất khẩu.
Thứ ba, để thúc đẩy ngành sầu riêng phát triển ổn định, bền vững, nước ta cần phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh việc phụ thuộc vào một đối tác, quốc gia nhất định.
Hiện Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu. Việc phụ thuộc vào một thị trường lớn duy nhất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, để giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Nhật Bản, Trung Đông, Đức, Hà Lan, Mỹ… là xu thế bắt buộc.
Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thời hạn bảo quản. Do đó, việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để chinh phục các thị trường khó tính này. Bên cạnh đó, sầu riêng chế biến thành các sản phẩm như puree sầu riêng, kem, bánh crepe sầu riêng, nước giải khát… cũng là lựa chọn tiềm năng.
>>Một mặt hàng chủ lực 'tắc đường sang Trung Quốc', xuất khẩu rau quả Việt Nam lao dốc