Sầu riêng Việt Nam tụt hạng xuất khẩu, Thủ tướng chỉ đạo 'giải cứu' toàn diện ngành hàng tỷ đô
Đây được xem là bước đi cần thiết và kịp thời của Chính phủ nhằm khôi phục niềm tin thị trường, đảm bảo ổn định sản xuất và xuất khẩu cho ngành hàng tỷ đô đang chịu nhiều áp lực.
Từng là ngôi sao sáng trong ngành trái cây xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với cú trượt dài đáng báo động trong nửa đầu năm 2025 khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đồng loạt sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ đạo quyết liệt nhằm "giải cứu" ngành hàng chủ lực này, với sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ ngành.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích sầu riêng năm 2024 đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng ước tính khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, thị trường đã “quay lưng”. Khối lượng xuất khẩu giảm hơn 50%, kéo theo giá trị cũng lao dốc tới 61%. Đáng chú ý, sầu riêng đã tụt xuống vị trí thứ ba trong nhóm trái cây xuất khẩu chủ lực, xếp sau chuối và thanh long – điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân dẫn đến cú lao dốc này không nằm ở chất lượng sầu riêng, mà chủ yếu bắt nguồn từ ba yếu tố chính.
Thứ nhất, sự thay đổi chính sách từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia đã siết chặt các biện pháp kiểm soát kỹ thuật, nâng cao hàng rào kỹ thuật đối với sầu riêng nhập khẩu.
Thứ hai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khiến quá trình canh tác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng trái.
Thứ ba, tình trạng mở rộng diện tích tự phát diễn ra ồ ạt, với tốc độ tăng bình quân 19,5%/năm trong giai đoạn 2015–2024. Nhiều địa phương mở rộng “nóng”, thiếu kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch, sản lượng và chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự phát triển bền vững của ngành sầu riêng.
![]() |
Từng là ngôi sao sáng trong ngành trái cây xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với cú trượt dài đáng báo động. Ảnh minh hoạ |
Hiện nay, hơn 90% sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thị trường "chi phối", nhưng cũng khó tính bậc nhất. Không như các nông sản khác, mọi vùng trồng, cơ sở đóng gói phải được GACC (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) kiểm tra thực địa hoặc trực tuyến trước khi cấp mã số.
Thêm vào đó, trong giai đoạn cao điểm kiểm soát, nhiều lô hàng bị đình trệ do không đạt yêu cầu về: an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, dư lượng hóa chất nông nghiệp.
Trước tình hình xuất khẩu sầu riêng gặp nhiều khó khăn, ngày 23/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện số 71 của Thủ tướng Chính phủ, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng theo hướng bền vững. Công điện phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành liên quan.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tổ chức sản xuất sầu riêng theo đúng định hướng trong Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Bộ cần chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để mở rộng danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, thúc đẩy công nhận phòng thử nghiệm đạt chuẩn, qua đó đảm bảo thông quan thuận lợi. Ngoài ra, cần tập trung phát triển xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và sản phẩm chế biến sâu nhằm giảm phụ thuộc vào trái tươi – vốn dễ bị ảnh hưởng bởi mùa vụ và biến động thị trường.
Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo Cục Hải quan ưu tiên xử lý thủ tục thông quan nhanh chóng đối với các lô hàng sầu riêng, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu.
Bộ Công an có nhiệm vụ điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là làm giả mã số vùng trồng, hồ sơ xuất khẩu và thao túng thị trường gây bất ổn chuỗi cung ứng. Đồng thời, Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh cho chuỗi xuất khẩu sầu riêng, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Đây được xem là bước đi cần thiết và kịp thời của Chính phủ nhằm khôi phục niềm tin thị trường, đảm bảo ổn định sản xuất và xuất khẩu cho ngành hàng tỷ đô đang chịu nhiều áp lực.
Trong bối cảnh sầu riêng không còn là "vua không ngai" trên bảng xếp hạng xuất khẩu nông sản, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và động thái tích cực từ phía Trung Quốc có thể giúp ngành này trở lại quỹ đạo ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài, sự tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và minh bạch nguồn gốc mới là yếu tố quyết định cho sự bền vững và vị thế quốc tế của trái sầu riêng Việt Nam.
Kết quả kiểm tra chất cấm trong sầu riêng Lâm Đồng
Bảo vệ nghiêm ngặt sầu riêng, 'thủ phủ trái cây tỷ USD' kiến nghị khẩn lên bộ