Giảm thuế, phí thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế
Các chuyên gia cho rằng, trong những tháng đầu năm, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Thuế đã tiếp tục triển khai nhiều chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân hết sức kịp thời, hiệu quả, giúp nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang ảnh hưởng nặng nề từ tác động bên ngoài.
Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng
Duy trì chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, có thể nói Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã ban hành hồi đầu năm ngoái chính là điểm nhấn quan trọng. Thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển, gói hỗ trợ về tài khóa đóng vai trò then chốt.
Gia hạn giảm gần 130 nghìn tỷ đồng Tổng cục Thuế cho biết, trong 8 tháng năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN và người dân với tổng số tiền khoảng 128.969 tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 89.725,8 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 39.243 tỷ đồng. |
Qua thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 400 nghìn tỷ đồng, giúp DN, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Chưa bao giờ, số tiền hỗ trợ người dân, DN và nền kinh tế lớn như những năm vừa qua.
Dư luận đánh giá cao những quyết sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về việc duy trì một chính sách tài khóa mở rộng và linh hoạt, coi DN làm trung tâm đã đảm bảo sự thành công vì những chính sách này đã mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.
Nhắc đến những chính sách kịp thời, hiệu quả cao phải kể đến việc Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, số tiền miễn, giảm là 79 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Thời gian áp dụng từ 01/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng.
Hàng loạt những giải pháp về miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã cho thấy Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tài khóa không chỉ giúp giảm áp lực lạm phát, mà còn giúp chính sách kích cầu của Chính phủ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn.
Kinh tế có những chuyển biến tích cực
Theo Tổng cục Thuế, trong 8 tháng năm 2023, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 89.725,8 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế còn được tiếp tục gia hạn là khoảng 64.628 tỷ đồng.
Tổng số tiền thuế, phí giảm hỗ trợ cho người dân và DN ước khoảng 39.243 tỷ đồng. Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ có hiệu lực trong năm 2022 tác động làm giảm số thu NSNN 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ khoảng 9.192 tỷ đồng; một số chính sách mới được ban hành và có hiệu lực trong năm 2023 tác động giảm thu khoảng 30.051 tỷ đồng.
Cụ thể: giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay khoảng 22.709 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước khoảng 3.464,1 tỷ đồng; giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% khoảng 2.500 tỷ đồng; giảm thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 1.377,6 tỷ đồng.
TS. Tô Hoài Nam |
Đánh giá về những chính sách hỗ trợ kinh tế, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã khẳng định những giải pháp phù hợp trong điều hành kinh tế của Chính phủ giúp thị trường bán lẻ có những chuyển biến tích cực.
Đồng thời, sản xuất công nghiệp có cải thiện do phục vụ tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng, hoạt động xuất khẩu hàng tháng cũng tăng nhẹ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Trong khi doanh số bán hàng hóa tăng nhẹ thì doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phần lớn do sự mở rộng của dịch vụ du lịch và khách sạn.
Theo ông Nam, thời gian qua, bên cạnh những khó khăn thách thức đối với DN như đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí sản xuất tăng theo biến động giá nhiên liệu thế giới, thì điểm sáng là cộng đồng DN đã nỗ lực, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiệu quả hơn.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí hỗ trợ trực tiếp cho DN. Gần đây nhất, việc giảm thuế GTGT 2% đã có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và số người được hưởng lợi từ chính sách này rất lớn, giúp thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng những tháng cuối năm.
Hỗ trợ hiệu quả DN và người dân
Còn theo GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), việc hỗ trợ về thuế, phí là một trong những hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay, trong đó, việc giảm thuế GTGT 2% sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài, nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác sẽ giúp DN hồi sức, đóng góp vào tăng trưởng, điều này có thể khiến thu ngân sách có thể dôi dư, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế GTGT.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần DNP (Hà Nội) cho biết, việc giảm thuế GTGT sẽ có tác dụng rất lớn, tác động tới tổng cầu. Về phía người tiêu dùng, sẽ tiết kiệm được phần nào chi tiêu khi giá cả hàng hóa ổn định. Còn về phía DN, chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn, giúp kiểm soát được giá thành sản xuất, hạ giá sản phẩm, giảm hàng tồn kho.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, DN cần thời gian tương đối ổn định để có phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Vì vậy, chính sách giảm thuế GTGT 2% có thể xem xét kéo dài sang hết năm 2024 để chính sách mang lại hiệu quả thực sự, kích cầu tiêu dùng, kích thích DN sản xuất.
Là đơn vị chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, ông Nguyễn Văn Điều - Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất Trường Phát (Hà Nội) cho biết, kể từ khi chính sách giảm thuế GTGT 2% đi vào thực tiễn, công ty tính toán, mỗi tháng có thể tiết kiệm gần 100 triệu đồng tiền mua nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất giúp DN có thêm được nguồn lực tài chính để đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Điều, việc DN được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã giúp tận dụng được nguồn lực tài chính từ số tiền thuế được gia hạn để xoay vòng vốn, tạo đà tăng trưởng cao hơn, từ đó DN quay trở lại đóng góp cho NSNN.
“Với DN sản xuất, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời, cộng với nội lực của DN, hy vọng doanh thu những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng từ 10 - 20%”- ông Điều chia sẻ.
PGS.TS. Phạm Thế Anh |
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) cho rằng, cần tiếp tục mở rộng không gian cho chính sách tài khóa. Lúc này cần sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Tài khóa nghịch chu kỳ là khi kinh tế suy giảm thì Chính phủ phải chi nhiều hơn, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn nhưng cũng lại phải giảm thuế để giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh và người dân.
“Chúng ta đang có dư địa vì ngân sách vẫn đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Nợ công giảm và ổn định. Đồng thời, có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng” - PGS.TS. Phạm Thế Anh cho hay.
Trong bối cảnh đó, việc giảm thuế GTGT hàng thiết yếu nội địa để kích thích tiêu dùng được các chuyên gia đánh giá cao. Việc thực hiện giải pháp kích thích tiêu dùng qua trợ cấp an sinh này đạt được cả 2 mục tiêu: an sinh xã hội và kích cầu. Bên cạnh các giải pháp về chính sách tài khóa, một trong những điểm mấu chốt thúc đẩy tăng trưởng đó là tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công.
Tuy nhiên, phải tránh dàn trải, cần tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, liên vùng và có sức lan tỏa cao. Đây là những chính sách vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn lại tạo cung dài và hạn chế tác động phụ. Bên cạnh đó, để kích thích tổng cầu cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vốn vay.
Ông VŨ TIẾN LỘC - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Giảm thuế GTGT, trợ lực cho DN DN Việt Nam đang gặp khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là thị trường. Trong khi thị trường xuất khẩu đang suy giảm, thì rất cần phải khơi thông thị trường trong nước. Giảm thuế là một trong những biện pháp rất quan trọng hỗ trợ cho người dân và DN. Thực tế, trong bối cảnh khó khăn, gánh nặng tăng trưởng bao giờ cũng đặt lên vai thị trường trong nước, việc kích cầu thị trường nội địa là giải pháp vô cùng quan trọng. Việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 2% là một chủ trương đúng đắn và phát huy tác dụng ngay khi thực hiện trong những tháng cuối năm 2023. Theo tôi, lợi ích của việc giảm 2% thuế GTGT còn giúp kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, tăng khả năng phục hồi cho DN, thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. |
Ông ĐẶNG VĂN SƠN - Phó Chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam: DN vượt qua khó khăn về dòng tiền Từ đầu năm đến nay, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Trong đó, việc gia hạn thuế có tác dụng chủ yếu hỗ trợ tổng cung, giúp DN vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Bên cạnh đó, động thái giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng cuối năm 2023 hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu, giúp DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với DN ngành giấy, việc gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất thời gian qua tạo điều kiện DN ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn về đầu ra sản phẩm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu giấy bao bì sụt giảm nghiêm trọng. Hy vọng những tháng cuối năm việc giảm thuế GTGT 2% sẽ tăng mạnh tiêu dùng trong nước và tiêu thụ sản phẩm giấy sẽ tăng trưởng mạnh. |
Thái Lan lên phương án 'giải cứu' Thai Airways: Chuyển đổi 100% khoản nợ hơn 2 tỷ USD thành cổ phiếu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng làm Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng