Giảm thuế VAT 2% - Cần đánh giá toàn diện các mục tiêu chính sách

17-06-2023 05:59|Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN

Dự thảo Nghị định giảm VAT 2% mới đây đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi lấy ý kiến các bộ ngành, tuy nhiên, nội dung Dự thảo được cho cần đánh giá toàn diện các mục tiêu chính sách…

Bộ Tài Chính đã trình Ủy ban Thường  vụ Quốc hội và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo Nghị định quy định tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%. Theo đó, Dự thảo quy định giảm thuế VAT 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoảng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

Dự thảo Nghị định quy định tiếp tục giảm thuế VAT 2% đã được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các bộ ngành lấy ý kiến mới đây - Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Với giải pháp giảm thuế VAT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 01/2024).

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra mốc có hiệu lực của chính sách này là 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (áp dụng trong 6 tháng).

Theo Dự thảo Nghị định, nếu được thông qua, chính sách này sẽ được áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh minh họa

Về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2%, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách - Lê Quang Mạnh cho biết, tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội chưa có tính toán, đánh giá tác động của chính sách về số thu, về kích cầu tiêu dùng, các tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách trong việc kéo dài thời gian thực hiện, mở rộng phạm vi áp dụng và việc nâng mức giảm như đề nghị của đại biểu Quốc hội.

Do vậy, trước mắt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian áp dụng từ 01/7/2023 đến 31/12/2023.

Đồng thời, Dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện mục tiêu chính sách như đã đặt ra, lượng hoá các tác động về số thu, về kích cầu tiêu dùng, các tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách từ việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT này.

Cho ý kiến kết luận về nội dung đã nêu, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến của các đại biểu đề nghị nới rộng mức độ và thời gian giảm thuế.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để nhìn nhận rõ tình hình kinh tế, tài chính, ngân sách để đưa ra chính sách phù hợp, thận trọng. Việc áp dụng mức giảm thuế này cho năm sau sẽ được tiếp tục xem xét kỹ lưỡng tại kỳ họp tháng 10 để đảm bảo thận trọng, chắc chắn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Thực tế, chính sách giảm thuế VAT 2% đã và đang nhận được sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp bởi tính thiết thực, cùng sự lan tỏa của chính sách sau lần giảm trước đó trong năm 2022. Việc giảm thuế đã có tác dụng kích cầu tiêu dùng, đây được xem là “cú hích” lớn cho tăng trưởng tiêu dùng nửa cuối năm nay, từ đó thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đánh giá về chính sách, Ths Vũ Xuân Trường - Giảng viên, chuyên gia thương hiệu, Khoa Marketing, Đại học Thương mại nhận định, giảm thuế VAT còn 8% sẽ thúc đẩy động lực sản xuất cho những doanh nghiệp, đấy là một yếu tố từ phía nguồn cung. Yếu tố thứ hai thì rõ ràng, khi giá giảm đi thì người tiêu dùng sẽ có động lực tốt hơn, có mong muốn sử dụng nhiều sản phẩm, từ yếu tố này thì sản phẩm cung ứng ra thị trường, của doanh nghiệp, của các tổ chức có giá hợp lý, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.

“Đặc biệt, đây là một chủ trương phù hợp với bối cảnh sau đại dịch, chúng ta đều thấy rằng là bản thân những người tiêu dùng và cộng đồng thì thắt chặt chi tiêu và khi họ thắt chặt chi tiêu thì họ sẽ phải chú ý đến chuyện là phải lựa chọn những sản phẩm nào mà hợp lý với túi tiền”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Xoay quanh vấn đề này, trước đó, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm 2% thuế VAT (từ 10% về 8%) để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt là trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, nhất là trong quý 4/2022 và những tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, bên cạnh việc nhất trí mức giảm 2%, có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm 4% để “khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu”, bởi mức giảm 2% có thể không đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách.

Đề xuất mở rộng đối tượng giảm thuế VAT, nâng thời gian đến hết năm 2024

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/giam-thue-vat-2-phan-tram-can-danh-gia-toan-dien-cac-muc-tieu-chinh-sach-245851.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Giảm thuế VAT 2% - Cần đánh giá toàn diện các mục tiêu chính sách
POWERED BY ONECMS & INTECH