Vĩ mô

Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ: Loạt doanh nghiệp ngành hàng tỷ USD nêu kiến nghị 'nóng'

Hồng Gấm 09/04/2025 - 14:25

Nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ vẫn giữ thuế đối ứng 46%. Đại diện các ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn như dệt may, thủy sản, đồ gỗ mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ như giảm thuế VAT dưới 8%, giữ room tín dụng... để nâng cao nội lực.

Chuyên gia chỉ rõ 5 thách thức cho hàng Việt

Phân tích về mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp lên Việt Nam lên tới 46%, tại tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ", ngày 8/4, Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc, đã chỉ ra 5 vấn đề then chốt.

Thứ nhất, mức thuế 46% là "không tưởng", vượt mọi dự liệu ứng phó thuế Mỹ kể từ khi ông Trump đắc cử. Thứ hai, thời gian gấp, chúng ta không có thời gian để chuẩn bị. "Ông Trump thường nói gì sẽ làm cái đấy, chiến thuật của ông Trump thường làm rất nhanh, thường chỉ trong khoảng 6 tháng. Việt Nam gần như không có thời gian để xoay xở khi Mỹ áp thuế chỉ trong vòng 1 tuần, kể từ khi có sắc lệnh đến lúc thực hiện, một sự khác biệt chóng vánh so với 18 tháng chuẩn bị mà Trung Quốc từng có".

Thứ ba, ông Thành nhấn mạnh vị thế then chốt của thị trường Mỹ đối với hàng Việt, đặc biệt là các mặt hàng giá trị gia tăng cao, cảnh báo tác động lan rộng đến toàn bộ nền kinh tế.

Thứ tư là "tính trọng yếu" của thị trường Mỹ và phần nghiêm trọng của sự thay đổi thuế suất. Ông phân tích, 4 trong 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ có độ co giãn cầu cực lớn. Điều này đồng nghĩa, ngay cả một biến động nhỏ về giá do thuế cũng có thể gây ra sự sụt giảm mạnh về nhu cầu, bào mòn lợi nhuận vốn đã mỏng của doanh nghiệp, chứ chưa nói đến mức tăng phi lý 46%.

Thứ năm, TS. Thành cảnh báo về hậu quả sâu xa hơn cả những con số GDP hay việc làm. Ông chỉ rõ, vai trò "đầu tàu" của Mỹ trong chuỗi giá trị toàn cầu đồng nghĩa việc áp thuế không chỉ tác động thương mại mà còn xáo trộn cấu trúc kinh tế nền tảng.

Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ: Loạt doanh nghiệp ngành hàng tỷ USD nêu kiến nghị 'nóng'
Theo chuyên gia, 46% áp với hàng hóa Việt Nam là mức không tưởng trong bất kỳ kịch bản ứng phó nào với thuế quan của Mỹ kể từ khi ông Trump đắc cử. Ảnh: TL.

>>> Từ 11h hôm nay, Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng lên 86 quốc gia, cao nhất 84%

Từ phân tích trên, vị chuyên gia lưu ý, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất kỳ thị trường nào đều nhắm xuất khẩu đến Mỹ. Ông chỉ rõ, động lực chính thu hút FDI vào các quốc gia có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam, chính là con đường xuất khẩu rộng mở sang thị trường Mỹ. Các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng lợi thế chi phí để sản xuất tại đây và bơm hàng hóa sang Mỹ. Khi cánh cửa này chịu tác động, không đơn thuần là vấn đề tiền tệ, mà kéo theo nguy cơ rút lui của dòng công nghệ tiên tiến, vốn là chất xúc tác quan trọng cho quá trình nâng cấp ngành và cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế. Một mức thuế quan 46% sẽ tạo ra một lực "hút ngược" mạnh mẽ, khiến dòng vốn có xu hướng đảo chiều, tìm về những thị trường ít rủi ro hơn hoặc thậm chí quay trở lại Mỹ, nơi các chính sách ưu đãi có thể hấp dẫn hơn.

Lần này, trong tuyên bố ông Trump sử dụng thêm 2 công cụ: Vừa áp thuế chưa từng có, vừa "hút" doanh nghiệp về nước bằng cách giảm thuế thu nhập xuống mức cạnh tranh 15%, thậm chí thấp hơn Việt Nam. Về cơ bản dẫn đến hệ quả là công nghệ sẽ không đi ra bên ngoài mà sẽ về Mỹ sản xuất. Xóa bỏ mô hình "Đông sản xuất, Tây tiêu thụ" và gây ra một cuộc tái cấu trúc kinh tế toàn diện, tác động sâu sắc cả chuỗi cung ứng lẫn dòng vốn FDI.

Từ những phân tích trên, TS. Phạm Sỹ Thành chỉ ra những điểm yếu "cố hữu" của kinh tế Việt Nam. Sự phụ thuộc quá lớn vào bệ đỡ nhu cầu bên ngoài, trong khi sức mua nội địa còn quá khiêm tốn so với quy mô sản xuất, là một rào cản lớn.

"Thêm vào đó, sự chậm chạp trong tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, khác với phản ứng linh hoạt của Trung Quốc năm 2017 khi chuyển hướng sang các ngành ít bị áp thuế, cho thấy Việt Nam cần "nhanh chân" hơn trong việc đa dạng hóa rổ hàng chủ lực để giảm thiểu rủi ro", ông Thành nhận định.

Lo ngại biên độ lợi nhuận kém sắc làm 'lung lay' hoạt động xuất khẩu chủ lực

Đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam chia sẻ: “Trong 5 ngày vừa qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. “Nếu như từ ngày 9/4, rất nhiều sản phẩm gỗ sang Mỹ chịu mức thuế 46% sẽ khiến doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận”, ông Hoài nhấn mạnh.

Không những thế, ngành hàng gỗ còn phải đối mặt với "vòng kim cô" kép, từ chính sách thuế đối ứng mới 46% và nguy cơ bị áp thuế 25% do điều tra theo Khoản 232 về an ninh quốc gia, dự kiến sẽ có kết quả trong 270 ngày.

"Con số thiệt hại là rất lớn. Hiện, nhiều đối tác nhập khẩu đề nghị đơn hàng giao tháng 5 phải dừng lại, chờ đàm phán. Như vậy, doanh nghiệp rất hoang mang, không biết phản ứng như thế nào, muốn tiếp tục xuất khẩu phải được hỗ trợ như thế nào?", ông Hoài cho hay.

Trần tình về những khó khăn, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự báo: Dệt may sẽ là mặt hàng trong rổ hàng hóa chịu tác động mạnh nhất. Đầu tư lượng mua hàng mất 1 - 2 năm mới ổn định, nếu dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia, sẽ không nhiều. Trong ngắn hạn có thể giảm giá, giảm cầu tại Mỹ.

Ví dụ quần áo, mức giá tăng 1%, nhu cầu giảm 1 - 2%. Trong trường hợp 1 cái quần bán giá 50 USD tại Mỹ, giá sản xuất tại Việt Nam khoảng 10 USD. Nếu tăng 5% thuế, giá tăng thêm 5 USD, và giá bán cuối cùng 55 USD. Nhu cầu có thể biến động 10 - 20%.

Hiệp hội dệt may tính toán có 7.000 - 10.000 doanh nghiệp, với số lượng trên 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành, không tính các ngành phụ trợ liên quan. Tuy nhiên, hiện nay nhập khẩu dệt may của Mỹ chiếm đến 97% nhu cầu tiêu thụ, cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau khó có thể thay thế nhanh chóng.

Đại diện ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: Tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế vào ngày 2/4, nước ta đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Mỹ và các doanh nghiệp lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không? Bởi các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.

"Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng", bà Lê Hằng thông tin.

Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ: Loạt doanh nghiệp ngành hàng tỷ USD nêu kiến nghị 'nóng'
Đại diện các ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn như dệt may, thủy sản, đồ gỗ mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao nội lực. Ảnh: TL.

>>> Trước giờ G, Giáo sư Mỹ hiến kế giúp Việt Nam đối phó mức thuế 46% từ Mỹ

Cần giảm thuế VAT dưới 8%, giữ 'room' tín dụng, kích cầu thị trường nội địa

Đề xuất các giải pháp để ổn định sản xuất và giảm thiểu rủi ro. Ông Hoàng Mạnh Cầm kiến nghị, Chính phủ cần có những chính sách kích cầu thị trường nội địa. Cụ thể, các bộ ngành cần có giải pháp bài bản nhằm thúc đẩy thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân nhằm bù đắp nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Hoa Kỳ đồng thời thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Mặt khác ông Cầm cho rằng ngành tài chính nên nghiên cứu giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân hay chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác, từ tạo ra động lực kích cầu tiêu dùng.

Về lâu dài xem xét hỗ trợ vốn vay ưu đã giúp các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ, thay đổi chuỗi cung ứng; hỗ trợ xây dựng trung tâm thời trang để xây dựng thương hiệu, có nhãn hàng "made in Vietnam"…

"Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách chưa cắt room tín dụng trong năm nay. Bởi lẽ, sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may chưa thể hồi phục đã bị cắt room tín dụng, khiến họ không có vốn quay lại sản xuất", ông Cầm đề xuất.

Phó Tổng VASEP cho hay, Hiệp hội rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như: EU, Trung Đông… cần tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác, nhằm tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn.

“Chúng tôi đánh giá cao về chính sách thuế và rất mong chính sách thuế mới sớm được đưa vào thực thi nhanh nhất đặc biệt là về hoàn thuế, giãn thuế... Bên cạnh đó cần nhanh chóng đưa mặt hàng thuỷ sản vào mặt hàng chế biến để hưởng ưu đãi phù hợp với ngành hàng chứ không phải chịu thuế cao đến 20% như hiện nay”, bà Lê Hằng nói.

Ở góc độ cơ quan thuế, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, để ứng phó với quyết định từ phía Hoa Kỳ và thúc đẩy tăng trưởng GDP 2 con số như mục tiêu đề ra của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có giải pháp cụ thể hơn. Về quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với dấu hiệu chuyển giá, quan hệ công ty quốc gia trung chuyển, lợi dụng chính sách của Việt Nam là điểm trung chuyển để lách thuế.

Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ với cơ quan thuế Hoa Kỳ, tạo cơ sở cho 2 bên phối hợp hiệu quả ngăn chặn hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia. Các chính sách thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp có nhiều giải pháp có thể chia sẻ trong thời gian tới…

"Chúng ta có chế tài xử lý nghiêm vi phạm. Bộ Tài chính được Trung ương giao cho đề tài về phát triển kinh tế tư nhân, cơ quan thuế là đơn vị trong đề tài này. Cũng để tạo sức bật cho doanh nghiệp, chúng tôi nghiên cứu thúc đẩy, đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, tập trung vào 2 mảng lớn thể chế chính sách và thủ tục hành chính", ông Mai Sơn nhận định.

Thuế đối ứng của Mỹ vừa chính thức có hiệu lực, một quốc gia châu Á lập tức hạ lãi suất

Tỷ phú Bill Ackman tiếp tục kêu gọi ông Trump hoãn áp thuế để đàm phán, tránh khủng hoảng kinh tế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ung-pho-voi-thue-doi-ung-cua-my-loat-doanh-nghiep-nganh-hang-ty-usd-neu-kien-nghi-nong-286131.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ: Loạt doanh nghiệp ngành hàng tỷ USD nêu kiến nghị 'nóng'
    POWERED BY ONECMS & INTECH