Giao lộ đông đúc nhất thế giới, cứ mỗi 2 phút có 2.500 người cùng sang đường, được mệnh danh là ‘ngã tư bận rộn nhất hành tinh’
Từng xuất hiện trên những bộ phim Hollywood và được xem là một biểu tượng cho nhịp sống bận rộn, nơi đây được đánh giá là điểm tham quan không thể bỏ qua.
Được so sánh với Quảng trường Thời Đại
Shibuya là một khu vực nhộn nhịp nằm ở phía Tây trung tâm Tokyo (Nhật Bản), trực thuộc quận Shibuya (Shibuya-ku) - 1 trong 23 quận đặc biệt của Tokyo. Quận Shibuya còn bao gồm một số khu phố khác như: Harajuku, Omotesando, Aoyama, Ebisu, Daikanyama.
Đại lộ Shibuya là một nút giao nằm gần nhà ga Shibuya. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Tokyo, được mệnh danh là trung tâm thời trang và văn hóa của giới trẻ. Nút giao này cũng là một trong những khu đi bộ, thương mại gần tàu điện ngầm nổi tiếng nhất thế giới. Với quy mô rộng lớn, đại lộ này được so sánh tựa như Quảng trường Thời đại của Mỹ khi có 10 ngã rẽ và 5 vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, là giao lộ có lượng người đi bộ lớn nhất thế giới.
Vào giờ cao điểm, khi đèn xanh cho người đi bộ bật sáng, từ 5 vạch kẻ đi, người đi tràn xuống, đông nghẹt đường. Theo thống kê của Trung tâm đường phố Shibuya năm 2016, mỗi lần đèn xanh bật (khoảng 2 phút), có khoảng 3.000 người băng qua giao lộ này. Thậm chí, trong những ngày bận rộn, nơi đây còn là nơi qua lại của khoảng 500.000 người đi bộ/ngày.
Sự đông đúc của dòng người qua lại cùng những chiếc màn hình quảng cáo lớn, những biển hiệu neon biến giao lộ này trở thành một trong những điểm đến thú vị của Tokyo. Đặc biệt, nút giao bận rộn nhất hành tinh trở thành hình ảnh biểu tượng cho phong cách sống nhộn nhịp, hối hả của nơi đây.
Và cũng chính vì vậy, nơi đây đã trở thành bối cảnh hoàn hảo cho các bộ phim Hollywood như Lost in Translation (2003) hay The Fast and the Furious: Tokyo Drift (2006).
Xuất phát từ văn hóa của người Nhật
Chắc chắn có không ít người tỏ ra thắc mắc trước sự đông đúc của Đại lộ Shibuya. Trên thực tế, hình ảnh nhộn nhịp tại nút giao này xuất phát từ một trong những văn hóa đặc trưng trong nếp sống của người Nhật. Họ coi việc đi bộ là điều quan trọng, vừa để rèn luyện sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, người trưởng thành tại Nhật Bản sẽ đi bộ khoảng 7.200 bước chân đối với nam giới và 6.200 bước chân đối với nữ giới. Đa phần họ dùng cách di chuyển này để đi từ nhà tới bến ga, tàu điện ngầm/bến xe bus và từ bến tới văn phòng. Chỉ tính riêng 23 quận nội đô của Thủ đô Tokyo, mỗi ngày có đến 28 triệu lượt người sử dụng các phương tiện công cộng để đi lại.
Trên các biển quảng cáo bất động sản ở Nhật Bản, người ta không đề cập thời gian đi bằng xe máy hay ô tô tới các vị trí trung tâm như ở Việt Nam, mà nêu chi tiết đến từng phút từng giây thời gian đi bộ từ khu bất động sản đó tới nhà ga/bến xe bus gần đó, bởi đây là điều người mua nhà quan tâm nhất. Nhờ có cách quy hoạch, thiết kế hạ tầng hợp lý nên người dân Nhật Bản càng có lý do để bỏ xe cá nhân mà đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng đi làm hàng ngày.
Nhật Bản cũng xây dựng nhiều tuyến đường đi bộ ngầm dưới lòng đất, kết nối các khu vực dân cư đến các nhà ga đồng thời xây dựng cả những tuyến phố thương mại ngầm để tạo thuận tiện cho người đi bộ.
Lịch sử của Giao lộ Shibuya bắt nguồn từ hơn 100 năm trước, từ khi Ga Shibuya được xây dựng vào năm 1885. Ban đầu vốn chỉ phục vụ như một điểm dừng trên tuyến tàu điện ngầm Shinagawa, hiện được gọi là Tuyến JR Yamanote, kể từ đó, Ga Shibuya đã mở rộng để phục vụ hơn 8 tuyến tàu điện ngầm khác nhau ở Tokyo. Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất để ngắm dòng người băng qua đường ở Giao lộ Shibuya là từ tầng hai của cửa hàng Starbucks khổng lồ ở phía bắc của nút giao, trong tòa nhà Tsutaya. Cửa sổ kính cao từ trần đến sàn trở thành điều kiện lý tưởng để chiêm ngưỡng cũng như chụp ảnh và ghi lại những thước phim về địa điểm biểu tượng này. |