Tuyến đường nghìn tỷ 'ì ạch' suốt 23 năm, 9 lần đổi chủ đầu tư bất ngờ được khơi thông trong 21 ngày
Đạt kỷ lục với 9 lần thay đổi chủ đầu tư, sau 23 năm con đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 gặp nhiều vấn đề giải phóng mặt bằng nay đã có chuyển biến tích cực.
23 năm “đau đầu” giải phóng mặt bằng với 9 lần đổi chủ đầu tư
Sau 3 năm kể từ khi tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối từ Cầu Rào 2 đến Hồ Sen thông xe, câu chuyện về quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài 23 năm vẫn được nhiều người nhắc lại.
Tuyến đường mang ý nghĩa trọng điểm đối với địa bàn TP Hải Phòng. Dự án giúp giảm tải áp lực giao thông đáng kể trên các tuyến đường Cầu Đất, Lạch Tray. Hơn nữa, tuyến đường nối trung tâm TP Hải Phòng với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến bãi biển Đồ Sơn, phát huy hiệu quả khai thác đại lộ Phạm Văn Đồng và Cầu Rào 2.
Tuy nhiên, trước đó tuyến đường này đã trải qua một quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài suốt 23 năm, với 9 lần thay đổi chủ đầu tư trước khi hoàn thiện và thông xe.
Ban đầu, dự án đã quyết định khai thác và đấu giá quỹ đất hai bên tuyến đường sau khi hoàn thành, nhưng không được sự đồng thuận của người dân. Giai đoạn 1 của dự án (từ Cầu Rào 2 đến ngã tư Nguyễn Văn Linh) đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thi công và hoàn thiện nhanh chóng.
Mặt khác, giai đoạn 2 của dự án, từ ngã tư Nguyễn Văn Linh đến khu vực Hồ Sen, đã đối mặt với nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng trong suốt 23 năm, với nhiều chủ đầu tư “đến rồi đi” vì mỗi năm chỉ giải phóng được vài hộ dân.
Đến tháng 5/2018, Nhân dịp kỷ niệm 63 năm giải phóng Hải Phòng, giai đoạn 2 và 3 của dự án đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 đã được khởi động lại, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, bao gồm cầu vượt Nguyễn Văn Linh, tuyến đường trục từ cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh đến ngã ba giao với phố Chợ Con (1,6km), và từ ngã ba phố Chợ Con đến Tô Hiệu (150m).
Trong giai đoạn này, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông của thành phố Hải Phòng đã được giao vai trò đại diện chủ đầu tư, và UBND quận Lê Chân chịu trách nhiệm thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng.
Tìm hiểu nguyên nhân, chính quyền cho rằng tuyến đường này đi qua khu vực dân cư đông đúc, với hơn 590 hộ dân, trong đó có nhiều hộ đã kinh doanh ổn định trên tuyến đường này trong nhiều năm khiến công tác di dời gặp nhiều khó khăn.
Được biết, đoạn từ ngã ba phố Chợ Con đến phố Tô Hiệu chỉ có chiều dài 150 mét, song có tới 28 hộ dân thuộc diện yêu cầu di dời. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị thứ yếu, với bề rộng nền đường 32,5m và mặt đường rộng 22,5m.
Trước tình hình khi ấy, chính quyền Hải Phòng đã quyết định từ bỏ chủ trương "lấy đường nuôi đường" và thực hiện quan điểm của Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Lê Văn Thành, đó là “Phải bảo vệ tốt lợi ích của người dân thì người dân mới đồng thuận.”
Bí thư quận Lê Chân, ông Lê Trung Kiên, đã trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với người dân để giải quyết các vướng mắc và thông tin về chủ trương của thành phố, đặc biệt là trong việc phát triển giao thông và đô thị. Đồng thời, quận đã giao các phòng chức năng nghiên cứu và áp dụng đầy đủ cơ chế và chính sách theo quy định để tính toán đền bù và bồi thường một cách linh hoạt, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.
Thậm chí, trong trường hợp thủ tục cấp vốn vẫn chưa hoàn tất, chính quyền quận cam kết với người dân rằng sẽ trả tiền đền bù trong tháng 9/2020, nếu không sẽ chịu lãi suất. Do đó, dù chưa nhận được tiền đền bù, các hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng.
Như vậy, sau hơn 23 năm gặp khó khăn, dự án đã được chính quyền giải quyết trong vòng chỉ 21 ngày để bàn giao mặt bằng và tiến hành thi công.
Mở ra vùng đất phát triển đô thị mới
Theo đúng tiến độ, sau một năm kể từ khi khởi công xây dựng, đến tháng 5/2019, gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con đã hoàn thành và đã được Cục Giám định Nhà nước kiểm tra chất lượng công trình xây dựng và đánh giá đủ điều kiện để đưa vào khai thác và sử dụng.
Đây là tuyến giao thông quan trọng nối kết khu cảng biển Hải Phòng với Hà Nội và các tỉnh lân cận thông qua quốc lộ 5, nơi lượng xe container và xe tải lưu thông đông đúc. Nhà thầu đã phải làm việc trong không gian hạn chế, đồng thời phải đảm bảo cho khoảng 50.000 phương tiện cơ giới, chủ yếu là các xe container, thông qua nút giao mỗi ngày.
Việc hoàn thiện tuyến đường Võ Nguyên Giáp đã từng bước giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị cho người dân và phương tiện di chuyển, đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, sau khi hoàn thành tuyến đường, giá đất hai bên đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 đã tăng đáng kể, thậm chí có đoạn lên đến 100 triệu đồng/m2. Từ đó, thu nhập của các doanh nghiệp và người dân kinh doanh hai bên đường cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, nhiều dự án bất động sản lớn đã được xây dựng như khu tổ hợp khách sạn Nikko, Hoàng Huy Riverside, AEON MALL... góp phần thay đổi diện mạo đô thị của thành phố Hải Phòng được như hiện nay.
>> Cư dân khu tái định cư sống 'thấp thỏm' suốt 10 năm không điện, nước