Giáo sư Nhật Bản tiết lộ cách làm cho người Nhật cao nhất thế giới và khuyến cáo với Việt Nam
Sau Thế chiến thứ II, trong muôn vàn khó khăn, người Nhật quyết tâm cải thiện chiều cao, thể lực cho người dân. Hiện Nhật là quốc gia có chiều cao trung bình hàng đầu thế giới. Với sự hậu thuẫn rất lớn của Nhật Hoàng, người Nhật thực hiện kế hoạch đó thông qua việc nâng cao chất lượng, luật hóa bữa ăn tại trường học. Bữa trưa tại trường của học sinh Nhật không chỉ là bữa ăn mà còn là phương thức dạy cho người Nhật cách ăn uống hợp lý khi lớn lên, để “có một cuộc đời trọn vẹn”.
Sáng 12/10, Hội thảo quốc tế dinh dưỡng cho người Việt lần 2 do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức tại Hà Nội, với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH, đã quy tụ hơn 300 đại biểu, bao gồm các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, đại diện từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế.
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã trao đổi chi tiết về hành trình nâng cao thể trạng vượt bậc cho của người dân Nhật Bản.
Theo GS. Nakamura Teiji, sau Thế chiến thứ II, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản. Nhằm giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đã áp dụng chế độ ăn theo kiểu phương Tây, mang đến những bữa ăn giàu dinh dưỡng.
Địa điểm mà người Nhật lựa chọn để cải thiện bữa ăn trước hết là trường học chứ không phải trong mỗi gia đình.
GS. Nakamura Teiji |
Năm 1954, “Luật Bữa trưa học đường” của Nhật Bản được ban hành, dưới sự chấp thuận của Nhật Hoàng và Thủ tướng. Bữa trưa học đường tại Nhật Bản đã trở thành một nền tảng để giáo dục toàn diện về dinh dưỡng và chế độ ăn uống.
Bữa trưa học đường tại Nhật Bản không chỉ là một bữa ăn, mà còn là cơ hội để trẻ em khám phá và học hỏi về nhiều lĩnh vực như dinh dưỡng, sức khỏe, nông nghiệp, thủy sản, lao động, chế biến thực phẩm, nấu ăn, vệ sinh thực phẩm, mối quan hệ giữa con người, môi trường và văn hóa ẩm thực một cách toàn diện.
Hình ảnh "Luật Bữa trưa học đường" của Nhật Bản năm 1954 với ấn triện của Nhật Hoàng |
Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ thông qua bữa trưa học đường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tác động tích cực lâu dài đến sức khỏe con người.
Hiện nay, tỷ lệ triển khai bữa trưa học đường ở Nhật Bản đạt 99% tại các trường tiểu học và 91,5% tại các trường trung học cơ sở
GS. Nakamura Teiji
• Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản.
• Chủ tịch Tổ chức Chiến lược Khoa học Thực hành Dinh dưỡng Nhật Bản.
• Chủ tịch danh dự Đại học Dịch vụ Nhân sinh Kanagawa.
• GS. Nakamura Teiji đã trực tiếp tham gia vào nửa sau của lịch sử chính sách dinh dưỡng gần 100 năm của Nhật Bản.
• Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội từ năm 2014 đến năm 2019.
• Ông là Trưởng Ban tổ chức của Đại hội Dinh dưỡng quốc tế lần thứ 15 năm 2008 và Đại hội Dinh dưỡng châu Á lần thứ 8 năm 2022; Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội dinh dưỡng châu Á (AFDA).
• Năm 2013, ông là Chủ tịch Nhóm nghiên cứu về “chế độ ăn uống lành mạnh” hỗ trợ tuổi thọ của người Nhật Bản do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện.
• Tác giả cuốn sách “Dinh dưỡng Nhật Bản”.
Theo GS. Nakamura Teiji, chế độ ăn phương Tây, vốn giàu năng lượng, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất, đã cho thấy hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng do nghèo đói và chiến tranh tại nhiều quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển nhanh chóng như Việt Nam và nhiều nước châu Á khác, tình trạng béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp và nhồi máu cơ tim đang ngày càng gia tăng.
Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã nhanh chóng áp dụng chế độ ăn phương Tây nhưng đã đồng thời cũng thực hiện việc giáo dục người dân về những tác động tiêu cực có thể xảy ra từ chế độ ăn này. Lượng năng lượng tiêu thụ của người Nhật đã liên tục tăng kể từ năm 1945 nhờ vào quá trình tái thiết sau chiến tranh và việc áp dụng chế độ ăn phương Tây. Tuy nhiên, kể từ năm 1975, lượng năng lượng tiêu thụ trong bữa ăn của người Nhật đã bắt đầu giảm do nỗ lực hạn chế áp dụng chế độ ăn phương Tây. Lượng carbohydrate đã giảm liên tục kể từ sau Thế chiến thứ hai, trong khi hàm lượng chất béo tiêu thụ từng tạm thời tăng trong quá trình tái thiết và phương Tây hóa. Tuy nhiên, xu hướng này đã chững lại kể từ năm 1975, và duy trì ở mức ổn định khoảng 30%.
Hình ảnh về bữa trưa học đường ở Nhật Bản qua các thời kỳ |
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, công bố vào năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật gây ấn tượng mạnh: Nam – 1m72; Nữ - 1m58. Cách đây 50 năm, các con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49. Hiện tại, chiều cao trung bình của người Nhật đứng hàng đầu thế giới. Nhật Bản đã trở thành một ví dụ điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực, như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ.
Vào năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã ban hành “Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (Shokuiku Basic Act)”. “Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong thế kỷ 21, chúng tôi đảm bảo trẻ em được rèn luyện thể chất và tinh thần khỏe mạnh, để phát triển trong tương lai và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, điều quan trọng là mọi công dân đều được đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất, để sống một cuộc sống trọn vẹn”, GS Nakamura Teiji nói.
Học sinh Nhật Bản dùng bữa trưa tại trường |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia như ThS. Josselyn Neukom, chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng từ tổ chức SwipeRx, PGS.TS. Nguyễn Phương Mai, chuyên gia về khoa học não bộ ứng dụng, GS.TS.BS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và đại diện các cơ quan chuyên môn như PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, trẻ em Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đồng thuận với vai trò quan trọng của bữa ăn học đường trong con đường nâng cao thể trạng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người Việt. Các đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam đang thiếu các hành lang pháp lý để có thể chuẩn hóa bữa ăn học đường để nâng cao thể trạng và giáo dục dinh dưỡng cho người Việt tại trường học.
Anh hùng lao động Thái Hương:
"Luật Dinh dưỡng học đường giúp cải thiện chiều cao, định hình cuộc đời cho người Việt Nam"
Đại diện cho đơn vị đồng hành, Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập- Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH dẫn nghiên cứu cho thấy, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi. Đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của mỗi người.
Theo doanh nhân Thái Hương, để trẻ em được chăm sóc đầy đủ, cần có những quy định về luật pháp đủ rộng và bao trùm. Hiện nay, đất nước ta đã đủ điều kiện, cơ sở thực tiễn và nên xây dựng và ban hành Luật Dinh dưỡng học đường như Nhật Bản để đảm bảo sự toàn diện, trùm nhất. Trong luật này, cần có cả hoạt động thể chất, quy định về nhân lực, giáo dục dinh dưỡng…
“Thói quen của một người, từ ăn uống đến sinh hoạt sẽ góp phần định hình cuộc đời của người đó về sau. Tôi mong muốn truyền cảm hứng để mọi người thúc đẩy sự ra đời của những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Tôi sẽ kiên định và bền bỉ với hành trình này. Tôi cũng có ước mơ, khát vọng là làm một nhà sản xuất thực phẩm tử tế trước hết cho chính người dân Việt Nam rồi mới ra quốc tế”, doanh nhân, Anh hùng Lao động Thái Hương nói.