Giao thông Hà Nội sắp được phủ xanh nhờ ‘mạnh tay’ chi hơn 40.000 tỷ đồng vào xe buýt
TP. Hà Nội đang đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG khí thiên nhiên nén.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon là nhiệm vụ quan trọng để giảm ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, "xanh hóa" xe buýt là yêu cầu tất yếu nhằm tiến tới một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường. Đó cũng chính là lý do TP. Hà Nội hạ quyết tâm chuyển hệ thống xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đang trình HĐND thành phố xem xét đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG khí thiên nhiên nén với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.
>> Hàng nghìn m2 đất rừng bị xâm lấn trái phép, Hoà Bình xử lý ra sao?
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.
Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện xe buýt dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.072 xe, 1.807 xe và 1.694 xe.
Nhiều chuyên gia giao thông và các doanh nghiệp kinh doanh giao thông vận tải nhận định cần một chính sách phù hợp với tất cả cùng tham gia thực hiện mục tiêu xanh hoá cả mạng lưới giao thông công cộng.
Dẫn tin từ báo Lao Động, ông Nguyễn Công Nhật - Tổng Giám đốc Vinbus cho biết: "Để đạt được mục tiêu xanh hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, rất cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để tạo cú hích".
Ông Nhật ví dụ: "Chúng ta cũng có thể hỗ trợ bằng nhiều cách khác, trực tiếp hay gián tiếp qua chính sách hỗ trợ vay lãi suất thấp để doanh nghiệp có thể huy động được vốn đầu tư cho xe buýt điện có giá thành cao hơn xe diesel.
Hoặc có thể tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ tài chính xanh trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh, đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho những chủ thể tạo ra giá trị cho mục tiêu giảm phát thải. Chỉ khi Nhà nước tạo ra cơ chế bền vững và doanh nghiệp nhận thấy họ có khả năng tham gia thì mới có thể phát triển được; còn ngược lại nếu chúng ta đặt ra những kỳ vọng, yêu cầu lớn mà không có cơ chế hỗ trợ phù hợp thì không khác nào chúng ta gián tiếp loại họ khỏi cuộc chơi".
Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt city tour. 11 đơn vị vận hành 132 tuyến buýt trợ giá, trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số xe buýt trợ giá là 2.034 với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
>> Việt Nam chính thức có khu thương mai tự do gắn liền cảng biển lớn nhất miền Trung