Do nằm sâu trong làng nên chùa không được nhiều du khách phương xa biết đến, nhưng với người dân làng Ngâu thì đây là chốn linh thiêng và an bình.
Chùa Ngâu hay còn gọi là Hưng Long tự hoặc Quốc Lão Hưng Long tự, nằm ở phía Bắc làng Ngâu (thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Chùa được xây dựng vào năm 1130 dưới niên hiệu Thiên Thuận, thời vua Lý Thần Tông do đức Lệ Thiên Hoàng Hậu xây dựng. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính của Việt Nam được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1995.
Theo truyền thuyết, trước kia làng Yên Ngưu có hai miếu là miếu Mục Đồng thờ đức Tổ Nam Dương (Thủy Tổ Thành Hoàng làng Yên Ngưu) và miếu Diệu Linh thờ Hương Từ Thanh Vân Thần Nữ, còn gọi là Tổ Mẫu Ngâu. Đức Lệ Thiện Hoàng Hậu đã xây dựng miếu Diệu Linh và đặt tên là Hưng Quốc tự để thờ Phật và thờ đức Tổ Mẫu Ngâu. Thời Lê Trung hưng, chùa Ngâu rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Đến năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762), chùa được một vị quốc lão triều Lê đứng ra hưng công, tu bổ lớn. Để tri ân công đức ấy, dân làng thờ ông và đặt tên chùa là Quốc Lão Hưng Long tự.
Viết về sự kiện này, quan nghè Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Mậu Đĩnh ghi lại trên tấm bia “Quốc Lão Hưng Long tự bi ký” lập năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) với nội dung đại ý: Thuở hàn vi, ông Nguyễn Du (Trịnh Du) thường qua lại đất Yên Ngưu. Sau khi hiển đạt, ông đã xin phần đất này lập thái ấp và đứng ra hưng công, kêu gọi nhân dân trong vùng đóng góp để mở mang, tu sửa lại chùa Ngâu. Năm 1763, ông mất khi chùa vừa hoàn thành. Nhân dân tôn ông và cha mẹ ông làm hậu Phật.
Ngôi chùa nay đã được đại trùng tu, tôn tạo lại hoàn toàn nhưng vẫn giữ nguyên những nét rêu phong cổ kính và uy nghiêm của thời xưa. Trong đó, các công trình quan trọng bao gồm ngôi Tam Bảo, nhà thờ Tổ, phủ Đế Đô Hưng Quốc, cổng Tam Quan và các tượng Phật cùng chuông đúc mới. Những công trình này đã khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu của chùa và làm nổi bật thêm giá trị văn hóa và tâm linh của nơi đây.
Tại chùa Ngâu hiện còn nhiều di vật cổ có giá trị cao; trong đó, nổi bật là quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), cao 124cm, đường kính miệng rộng 60cm, quai được trang trí hình đôi rồng đuôi xoắn, thân đề bốn chữ “Hưng Long tự chung”...
Chùa Ngâu không chỉ là nơi người dân địa phương đến để cầu nguyện sự bình an, sức khỏe mà còn là điểm đến của nhiều khách phương xa. Cảnh chùa yên bình với những hàng cây xanh mát, tiếng chuông chùa trong vắt vang lên giữa bình minh hay hoàng hôn, vô hình trung đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho những ai tìm về nơi đây, tìm kiếm một khoảnh khắc thanh tịnh giữa cuộc sống hối hả.
Bên cạnh những giá trị văn hóa, chùa Ngâu còn chứa đựng những giá trị kiến trúc độc đáo với những đường nét chạm khắc tinh xảo, những bức tượng và phiến đá mang đầy dấu ấn thời gian. Một quần thể kiến trúc hoàn mỹ, một không gian văn hóa phong phú đã được bảo tồn và gìn giữ qua bao thế hệ, trở thành niềm tự hào cho đất và người Hà Nội.
>> Việt Nam có ngôi chùa gần 300 năm tuổi ở Cù Lao Chàm nổi tiếng 4 không