Ngôi chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào núi, tầm nhìn ra cánh đồng thoáng đãng. Vì vậy, nơi đây thu hút rất nhiều người dân địa phương đến hành lễ, cầu may mắn, bình an, du khách đến vãng cảnh, thăm thú, lễ bái.
Ngôi cổ tự "4 không"
Chùa Hải Tạng không còn là điểm đến xa lạ với người dân địa phương và du khách. Ngôi cổ tự tọa lạc tại khu vực xóm Cấm, bãi Làng, Cù Lao Chàm, thuộc xã Tân Hiệp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), là nơi thờ Phật, thờ Thánh tâm linh.
Chùa được xây dựng vào thời kỳ Cảnh Hưng năm 1758, do Hương Hải thiền sư lập nên. Ban đầu, nơi đây chỉ là am nhỏ làm nơi trú ẩn của Ngài. Sau này, đến đời đệ tử thứ 4, chùa được người dân góp công xây dựng và đặt tên là Hải Tạng. Tên của ngôi chùa xuất phát từ chuyện xưa kể lại rằng có một con thuyền chở gỗ đi ngang qua Cù Lao Chàm thì trời tối nên họ dừng lại tại đảo để nghỉ ngơi. Thế nhưng, những ngày sau đó trời nổi giông lớn không ngừng khiến tàu không thể đi được. Sau vài ngày ở lại, có một người trong đoàn đã đến miếu cầu nguyện, khi xin keo mới biết được rằng những cây gỗ họ đang chở phải để lại để xây chùa, không thể đem đi. Cũng chính từ đó mà chùa được dựng lên, lấy tên Hải Tạng, Hải có nghĩa là biển, Tạng là quy tụ Tam tạng kinh.
Do bị tác động của gió bão gây hư hại nên năm 1848, chùa được dời đến vị trí hiện tại và tu sửa khang trang hơn.
Chùa Hải Tạng nằm cách biển Cửa Đại khoảng 15km. Để đi đến đây, bạn cần đi tàu xuất phát từ bến Cửa Đại, hết 1 tiếng rưỡi, đi cano sẽ hết khoảng 30 phút thì đến khu vực Bãi Làng. Từ đây, bạn tiếp tục men theo con đường nhỏ hoặc hỏi thăm người dân địa phương về đường tới xóm Cốm. Tới đây, bạn sẽ nhìn thấy chùa cổ Hải Tạng bình dị, trầm mặc, yên bình.
Một trong những đặc điểm ấn tượng của ngôi cổ tự chính là "4 không": không trụ trì, không vàng mã, không điện đèn, không sư sãi. Trước đây, hòa thượng Thích Hải Tạng là sư trụ trì chùa, đến nay không còn, chùa do ban trị sự của địa phương quản lý.
Bạn có thể đến đây vào các dịp lễ hội trong năm như cúng cầu an ngày 15/1, lễ Phật Đản 15/4, lễ Vu Lan 15/7, lễ vía Quan Thế Âm vào các ngày 19/2, 19/6, 19/9…
Kiến trúc độc đáo của chùa Hải Tạng
Chùa Hải Tạng có kiến trúc rất đặc trưng, tương đồng với các công trình Phật giáo Đại thừa. Ấn tượng nhất là những rường cột chồng lên nhau, kết cấu kèo gỗ chắc chắn. Ở các cột, rường có chi tiết chạm trổ tinh tế, công phu.
Cổng tam quan của chùa gồm một cổng chính và ba cổng phụ. Từ cổng tam quan có thể nhìn thấy bốn cột trụ được khắc hình hoa sen rất đẹp mắt. Phần mái của chùa được lợp ngói âm dương tạo nét thanh tịnh, cổ kính.
Bước qua cổng tam quan, bạn sẽ thấy những bức tường bằng đá được thiết kế trang nhã, chạm khắc những hoa văn. Trước sân là bức tượng Bồ Tát Quan Âm tọa lạc giữa một hồ sen nhỏ, hướng về biển Đông, biểu hiện cho tấm lòng bao dung, từ bi của Bồ Tát luôn che chở cho ngư dân.
Công trình được xây dựng quy mô nhất tại chùa Hải Tạng là khu vực chánh điện với những cột bằng gỗ lim cao lớn. Phần gỗ được chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo thể hiện được thẩm mỹ, sự tinh tế, kỳ công của người xưa. Gian giữa của chánh điện thờ 3 pho tượng Tam thế Phật, bên trái thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, bên phải thờ Tam thánh Quan Công, Châu Xương, Lưu Bình. Phía hai bên của khu vực chánh điện là nơi thờ Long thần, Hộ pháp. Nơi thờ tự của Tổ sư Đạt Ma đặt phía sau chánh điện với bức tượng dáng ngồi, tay cầm cuốn thư. Các pho tượng đều bằng gỗ, được sơn son thếp vàng.
Ngôi chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào núi, tầm nhìn ra cánh đồng thoáng đãng. Vì vậy, nơi đây thu hút rất nhiều người dân địa phương đến hành lễ, cầu may mắn, bình an, du khách đến vãng cảnh, thăm thú, lễ bái. Đến đây vào mùa hè, bạn sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh hồ sen nở rộ, hương sen thoang thoảng mang đến cảm giác bình yên, thư thái.
Vãn cảnh dịp lễ tại ngôi chùa nằm ở ‘nóc nhà’ miền Tây
Ngôi chùa cổ tọa lạc trên đỉnh đồi, từng là 'bảo vật' trấn giữ long mạch các đời vua, chúa Nguyễn