Doanh nghiệp

Giúp doanh nghiệp vượt khó để quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao

Lan Anh 07/03/2024 - 10:42

Gần đây, khi gặp chủ một doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội, có vẻ tinh thần ông bị sa sút nhiều. Ông chia sẻ chuyện không ngủ được do đơn hàng suy giảm, giờ làm và lương của nhân viên bị giãn trong khi vật giá lại leo thang...

Biết ông hơn chục năm nay, tôi luôn thấy ở ông nguồn năng lượng vô biên, giọng nói sang sảng, tự tin vậy mà đến nay, dường như ông đã thay đổi thành con người khác mới hiểu những gánh nặng ông đang chịu đựng lớn thế nào.

Một vị doanh nhân khác, làm chủ một dãy nhà hàng cũng buồn vì vắng khách. Kể từ khi siết nồng độ cồn từ giữa năm ngoái, các quán ăn của ông vắng vẻ hơn hẳn và đã phải sa thải nhiều nhân viên mới được tuyển dụng lại sau Covid. “Ế lắm bạn ạ, không biết tôi trụ được bao lâu”, ông nói với tôi.

Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) còn than thở, trước đại dịch, mỗi năm ngành tăng trưởng 5-6%, nhưng rồi do Covid, do siết nồng độ cồn, ngành kinh tế này đang sụt giảm 5-6%, thậm chí tới 15% mỗi năm gần đây, một tốc độ suy giảm chưa từng diễn ra.

habeco-112.jpg
Trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nam Khánh

Là phụ nữ, tôi ủng hộ lái xe là không uống bia, rượu, nhưng tôi hiểu, chính sách nào cũng có hai mặt. Mặt kia là việc cung cấp nông sản, thủy sản của nông dân, là việc làm của những người vận chuyển, của những người làm việc trong các nhà hàng, là những khoản đầu tư rất lớn như doanh nhân kể trên… mà cả chuỗi hoạt động trên đã bị tác động ghê gớm.

Điều này thể hiện rất rõ ở chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ số này chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm ngoái tăng 14,7%); nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 5% (cùng kỳ tăng 10,9%).

Tốc độ tăng thấp như vậy là điều rất hiếm có ở nước ta với ¾ dân số là người trẻ, có sức mua rất lớn.

Hôm qua, báo Thái Lan đưa tin, Thái Lan đã có dự thảo luật kiểm soát rượu rất chặt chẽ vì mục tiêu an toàn công cộng, nhưng rồi họ đã sửa lại để thúc đẩy du lịch vì đây là ngành kinh tế quan trọng. Thay đổi lớn nhất là họ định nghĩa lại đồ uống có cồn, bất kỳ loại đồ uống nào có nồng độ cồn không quá 0,5% sẽ không được xem là đồ uống có cồn.

Khó khăn của hai vị doanh nhân trên chắc chắn không phải đơn lẻ. Bởi vì, ngành dệt may cũng gặp khó khăn từ lâu, khi các chuỗi cung ứng đứt gãy, nhu cầu trên thế giới giảm sâu và Banglades nổi lên như một nhà may lớn, chiếm vị trí số 2 của Việt Nam vì họ có giá nhân công rẻ hơn. Có những công ty may rất lớn ở TP.HCM với 5 nhà máy, khoảng 4.000 công nhân mà đến cuối năm ngoái chỉ còn vài ba chục nhân sự vì không có đơn hàng.

Người trong ngành dệt may tổng kết, năm 2023 tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Giá trị xuất khẩu của ngành năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD, thấp hơn so với kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD năm 2022.

Dệt may gặp khó khăn là rất đáng chú ý bởi đây là ngành thâm dụng lao động với hơn 3 triệu người, trong đó hơn 70% là nữ giới.

Khó khăn không chỉ diễn ra với riêng ngành dệt may mà còn với khu vực doanh nghiệp Việt Nam nói chung, dù nhiều nỗ lực của Chính phủ đã được đưa ra, đặc biệt là Nghị quyết 02 đầu năm nay.

Trong 2 tháng năm 2024 có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 41.097 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ từ 0 - 10 tỷ đồng với 20.308 doanh nghiệp, chiếm gần 92%.

Đây chỉ là đà nối tiếp từ năm 2023 với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 172.578, cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 159.294, nếu không tính 58.412 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Trong năm 2023, đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng vỏn vẹn 2,7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 14,5%, 3,0%, 7,1% và 8,1% tương ứng cho các năm 2019, 2020, 2021 và 2022.

Những con số kể trên cho thấy, chưa bao giờ khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại chạm khó khăn như lúc này, nhất là sau mấy năm Covid-19 và suy giảm kinh tế.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh nói tại một hội thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần trước, cộng đồng doanh nghiệp năm 2023 gặp khó khăn hơn so với các năm trước. Tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm; xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi.

Bà cho rằng, trong năm nay các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn... Hơn lúc nào hết, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ngoài nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng có nhiều nguyên nhân từ trong nước, từ thể chế, chính sách.

Để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, của chính sách đang cản trở sự phát triển.

may mac 107.jpg
Trong 2 tháng năm 2024 có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh hoạ: Nam Khánh

Khả năng dự đoán pháp luật thấp

Một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư là chất lượng các quy định pháp luật.

Khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật.

Tỷ lệ doanh nghiệp “luôn luôn” hoặc “thường xuyên” dự đoán được sự thay đổi quy định pháp luật của chính quyền cấp tỉnh giảm từ mức 16% năm 2014 xuống mức 5% năm 2021 và 3,42% năm 2022. Doanh nghiệp càng nhỏ, khả năng dự đoán sự thay đổi pháp luật càng thấp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, khả năng dự đoán việc áp dụng pháp luật của cơ quan chính quyền cũng thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được việc thực hiện quy định chỉ ở mức 3,48% năm 2022. Doanh nghiệp càng nhỏ, khả năng dự đoán áp dụng pháp luật càng thấp.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng đạt được kết quả mong đợi khi chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm từ mức 63% năm 2017 xuống mức 59% năm 2022.

Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp phản ánh tình trạng chất lượng các Quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp, thể hiện ở một số vấn đề.

Quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển, như quy chuẩn về chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Hoặc quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp như Quy chuẩn 06 về phòng cháy chữa cháy. Hoặc có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng rồi mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực. Điều này khiến hàng hoá bị tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng lạm dụng ban hành quy chuẩn và đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 các loại hàng hoá không có khả năng gây mất an toàn như Quy chuẩn 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ về thép không gỉ.

Nâng cao chất lượng quy định pháp luật

Tình thế nêu trên đòi hỏi hàng loạt giải pháp để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật như tăng cường tham vấn, lấy ý kiến đối với các Thông tư, các quy hoạch, kế hoạch. Bên cạnh đó, cần áp dụng rộng rãi nguyên tắc không hồi tố, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới.

Các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cần bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con, vì nếu doanh nghiệp vi phạm đã có biện pháp tước giấy phép. Cần áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật.

Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế.

Ông cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách dễ tiếp cận và thực hiện hơn. Bên cạnh đó, kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm, tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, ông Tuấn nói, nên ưu tiên chính sách tài khóa cho doanh nghiệp vì những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn không thực chất và có mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít cho doanh nghiệp.

Vị doanh nhân ngành dệt may mà tôi biết cũng hy vọng có thêm nhiều hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng ông nói rằng, sự thành bại tới đây của ông là phải tự nỗ lực của mình và các cán bộ trong công ty, “Rất khó thoát ra tình thế hiện nay nếu chúng tôi ngồi chờ hỗ trợ”, ông nói. Còn ông chủ chuỗi nhà hàng ở Hà Nội đã tính đến phương án thu hẹp kinh doanh vì không còn trụ được nữa.

>> Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

LDG: Chủ tịch vướng vòng lao lý, doanh nghiệp quyết định bán 'con' để trả nợ

90 doanh nghiệp ở Đồng Nai nợ 673 tỷ tiền thuế, 'đại gia' bất động sản Kim Oanh liên tục bị nhắc tên

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/giup-doanh-nghiep-vuot-kho-de-quay-lai-quy-dao-tang-truong-cao-2256794.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giúp doanh nghiệp vượt khó để quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao
    POWERED BY ONECMS & INTECH