Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

13-02-2024 21:07|Khúc Văn

Ông Lê Duy Bình: Cần phát huy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo - đây là những động lực mới, đặc biệt quan trọng.

Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

Việt Nam bước vào năm 2023 với không ít kỳ vọng và phấn khởi, đó là sự kỳ vọng về quá trình phục hồi kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Nhưng kinh tế Việt Nam 2023 đã đối diện với rất nhiều khó khăn, quá trình phục hồi kinh tế diễn ra không được như kỳ vọng.

Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

Vậy, với 2024, làm thế nào để nền kinh tế đạt được tốc độ phục hồi sớm nhất, làm thế nào để để lấy lại được động lực tăng trưởng cho năm mới?

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam.

Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu với Việt Nam năm 2023?

Là một nền kinh tế có độ mở cao, kinh tế Việt Nam năm 2023 chịu ảnh hưởng đáng kể bởi những biến động của kinh tế thế giới và thị trường toàn cầu.

Năm 2023, cầu của các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam còn yếu, dẫn đến nhu cầu với hàng hoá, dịch vụ được sản xuất và cung ứng từ Việt Nam suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Lực cầu yếu hơn từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, và nhiều đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam khiến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của năm 2023 chỉ đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự giảm tốc của ngành chế biến chế tạo, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02%, thấp hơn nhiều so với con số 7,69% vào năm 2022.

>> Một tỉnh lọt top 10 tăng trưởng GRDP cả nước, sẽ trở thành nơi đáng sống tại Việt Nam

Trong bối cảnh đó, quá trình phục hồi của nền kinh tế, tính tới thời điểm hiện tại được đánh giá như thế nào, thưa ông?

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 5,05% - đây là mức tăng khá trong khu vực ASEAN và khu vực Châu Á Thái Bình dương. Điều đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng đã được phục hồi vào những tháng, những quý cuối năm với tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.

Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

Tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 diễn ra trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát được kiểm soát ở mức 4,16%, cán cân thương mại, và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư. Các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo và hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động an toàn.

Các chỉ số quan trọng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đã phục hồi và đạt được tốc độ tăng trưởng dương vào những tháng cuối năm, báo hiệu tốc độ tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2024. Sự phục hồi của ngành du lịch, dịch vụ và sự duy trì phong độ của ngành nông, lâm ngư nghiệp tiếp tục là điểm sáng, hỗ trợ tích cực cho tốc độ tăng trưởng năm 2023.

Các yếu tố khác của tổng cầu cũng duy trì được tốc độ tăng tích cực. Tiêu dùng nội địa tăng mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Chi tiêu Chính phủ tăng mạnh với vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng 21,2% so với năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt mức kỷ lục về số tuyệt đối so với những năm gần đây và đóng góp mạnh mẽ vào tổng cầu và vào tăng trưởng năm 2023.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân cũng được cải thiện. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng đầu tư tư nhân gia tăng chủ yếu là nhờ mức tăng của vốn đầu tư tư nhân nước ngoài, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến cuối năm 2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.

Đối với đầu tư tư nhân trong nước, mặc dù trong năm 2023 cả nước có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7%, thấp nhất trong những năm gần đây (năm 2022, đầu tư tư nhân tăng 8,7%, năm 2021 tăng 7,1% và năm 2020 tăng đến 38,6%).

>> Giám đốc Economica Lê Duy Bình: Có 3 động lực cho tăng trưởng GDP quý cuối năm

Trong lúc khó khăn như hiện nay, đâu là động lực cho tăng trưởng năm sau, thưa ông?

Chúng ta vẫn cần dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN sẽ hỗ trợ đắc lực cho động lực xuất khẩu và gián tiếp cho việc phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước. Các nỗ lực nhằm duy trì niềm tin của người tiêu dùng, các biện pháp nhằm tăng thu nhập của người lao động, cải cách tiền lương của công chức, viên chức, kéo dài thời gian giảm thuế VAT sẽ tiếp thêm năng lượng cho động lực tăng trưởng về tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các nỗ lực nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường vốn, thị trường tiền tệ đồng thời tăng tốc các cải cách môi trường kinh doanh sẽ giúp đẩy mạnh được đầu tư, đặc biệt là đầu tư của tư nhân trong nước.

Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

Nhưng nền kinh tế cần phát huy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và đổi mới sáng tạo. Đây là những động lực mới, đặc biệt quan trọng để sớm đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, bền vững trong trước mắt cũng như trong dài hạn.

Những động lực tăng trưởng mới này sẽ chắp thêm cánh, tiếp thêm nguồn năng lượng để cùng các động lực tăng trưởng truyền thống hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong khoảng thời gian đủ dài để Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, gia nhập nhóm các nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo, có thu nhập cao, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

Còn những khó khăn, chúng ta đối diện với những khó khăn nào trong năm 2024? Với các yếu tố quốc tế, theo ông, tình hình quốc tế sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam trong năm sau, thưa ông?

Lạm phát dường như đã vượt đỉnh tại hầu hết các nền kinh tế và áp lực về lạm phát cũng đã giảm trên toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực ASEAN là các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu là không chắc chắn và sự sụt giảm về cầu đối với hàng hoá, dịch vụ được sản xuất, cung ứng tại Việt Nam vẫn là nguy cơ tiềm ẩn.

Nền kinh tế của chúng ta sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh ngày một mạnh mẽ hơn về thu hút đầu tư, đặc biệt là về vốn, công nghệ. Sự cạnh tranh này không chỉ đến từ những quốc gia và các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Mexico mà nó lại đến từ chính các nước hiện đang là khởi nguồn của nguồn vốn đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ cao, chất bán dẫn, hay chip điện tử.

Các chính sách của các quốc gia này như đưa hoạt động sản xuất quay trở về nhà hay gần nhà (home-shoring và near-shoring), hay việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến việc cạnh tranh nguồn vốn đầu tư trở lên khốc liệt hơn. Để thu hút các tập đoàn lớn như Intel, TSMC, NVIDIA, nhiều quốc gia phát triển thậm chí đã đưa ra các gói hỗ trợ từ ngân sách tới hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng, và hỗ trợ gián tiếp, hoặc trực tiếp cho các tập đoàn này.

Các hiệp định thương mại tự do đã khai thông nhiều thị trường quan trọng cho doanh nghiệp, nhưng các hiệp định này cũng khiến nền kinh tế phải đối diện với sự cạnh tranh lớn hơn ngay trong thị trường trong nước do yêu cầu phải mở cửa thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, những hàng rào cao hơn khi xuất khẩu vào các thị trường như EU, Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác. Ví dụ như EU đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng, và đang xem xét giới thiệu cơ chế quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trên toàn EU (EPR) đối với hàng may mặc, buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa. Điều này đặt ra thách thức không hề nhỏ cho các DN nếu muốn duy trì và mở rộng thị phần ở thị trường EU.

>> Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dưới góc nhìn mới của OECD

Với cộng đồng doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đang kiệt sức, ông đánh giá như thế nào về điều này, thưa ông?

Nhận định này cần được đánh giá một cách khách quan. Quả thực trong thời gian vừa qua, Covid-19 rồi sau đó rồi sự giảm tốc của nhiều nền kinh tế trên thế giới đã thực sự bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức và buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Nhưng chúng ta cũng chứng kiến một số lượng kỷ lục các DN mới được thành lập hay quay trở lại hoạt động trong năm 2023. Tinh thần kinh doanh của doanh nhân, người dân còn vô cùng mãnh liệt.

Như vậy nội tại trong khu vực doanh nghiệp, quá trình tái cấu trúc của chính các doanh nghiệp đã, đang sẽ tiếp tục diễn ra. Quá trình này có thể thực sự là đau đớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành và khu vực kinh tế. Vận hành trong một nền kinh tế thị trường, chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp kiệt sức trong cuộc cạnh tranh trong cơ chế thị trường, trong quá trình “phá huỷ sáng tạo”, trong việc luôn đổi mới mình.

Vì thế, những năm tới có thể tiếp tục chứng kiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng sẽ chứng kiến số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng cao không kém. Những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh không còn phù hợp với thị trường, không theo kịp được các xu thế mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, không theo kịp các yêu cầu tái cấu trúc của nền kinh tế, hay vẫn chủ yếu dựa vào các lợi thế như lao động giá rẻ có thể sẽ bị thay thế bằng các doanh nghiệp mới có mô hình kinh doanh phù hợp hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.

Do vậy, có thể nói rằng trong khi có nhiều doanh nghiệp đã bị vắt kiệt sức lực do phải chống chọi với Covid-19 hay sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức do không còn đủ sức cạnh tranh trong một nền kinh tế thị trường, trước yêu cầu ngày một khắc nghiệt hơn của thị trường, hay không theo kịp xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vốn đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết và do vậy buộc phải nhường chỗ cho những doanh nghiệp mới có sức cạnh tranh cao hơn, với mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn và có khả năng thích ứng và sức sống mạnh mẽ hơn.

Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?

Đây liệu đã là lúc khó khăn nhất của doanh nghiệp chưa, thưa ông?

Khó có thể nói là những khó khăn nhất đã trôi qua. Cách đây 25 năm, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, cách đây khoảng 15 năm là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và cách đây hơn 3 năm là Covid-19 và sự phát triển chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 thập kỷ, doanh nghiệp Việt đã hơn ba lần phải đối diện với những khó khăn mà cái sau dường như còn khó hơn cái trước. Rõ ràng là khó khăn này qua đi, khó khăn mới sẽ lại đến, có thể dưới hình thái khác và vào bất kỳ thời điểm nào.

Như vậy, điều quan trọng là các doanh nghiệp nhất định phải có sự chuẩn bị tốt hơn về tâm thế, nguồn lực, chiến lược và kế hoạch hành động để đối diện vượt qua các khó khăn, bất kể các khó khăn đó là gì, và từ đó gây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Chúng ta không nên kỳ vọng là những khó khăn nhất đã qua đi và giờ đây chỉ có những điều thuận lợi. Những khó khăn trong 3 năm vừa qua đã mang lại nhiều bài học quý giá về quản trị rủi ro, về yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực nội sinh, về xây dựng và thực hiện chiến lược hoạt động để doanh nghiệp có thể có sức chống chọi cao hơn, mạnh mẽ hơn khi phải đối diện với những khó khăn trong tương lai. Nó cũng mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý cải thiện môi trường kinh doanh, có chính sách và biện pháp hỗ trợ phù hợp để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chọi và để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khủng hoảng.

>> Lộ lý do Bình Thuận tăng trưởng kinh tế thần tốc vượt kế hoạch

Điều đáng khích lệ là sau mỗi cuộc khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại trở lên mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, với sức chống chọi lớn hơn trước các nghịch cảnh. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, các chính sách hỗ trợ, công tác điều hành của Chính phủ, các bộ ngành cũng kịp thời, linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn để doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Chú trọng nâng cao các năng lực nội sinh này sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với việc mong chờ các khó khăn tự nó trôi qua.

Ông có khuyến nghị gì về để nền kinh tế đặt tốc độ tăng trưởng cao nhất và doanh nghiệp bớt phần khó khăn?

Những áp lực gia tăng từ cạnh tranh về vốn đầu tư, hay yêu cầu phải đẩy mạnh đầu tư trong nước

là cơ hội để Việt Nam nâng cấp môi trường đầu tư, xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp có tính tiên liệu cao. Quá trình thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, dược phẩm cũng là cơ hội để thiết lập, khẳng định vị trí, hình ảnh Việt Nam là đối tác thân thiện, đáng tin câỵ của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Biến các thách thức này thành cơ hội sẽ đóng góp trực tiếp để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, đồng thời mở ra các cơ hội tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.

Gia tăng đầu tư tư nhân, một dư địa lớn để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, đòi hỏi sự đóng góp nhiệt tỉnh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước gồm gần 1 triệu doanh nghiệp hiện đang hoạt động và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc.

Để doanh nghiệp gia tăng đầu tư, cần có môi trường thuận lợi để họ vững tâm thực hiện các tầm nhìn, khát khao, hoài bão của mình, và một khung khổ pháp luật và văn hoá khuyến khích doanh nghiệp luôn dám dấn thân, mạo hiểm, mở rộng kinh doanh, dám nghĩ lớn, làm lớn, đầu tư lớn. Họ cũng rất cần một môi trường thể chế tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, chi phí tuân thủ thấp, có tính tiên liệu cao, giúp doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng kinh doanh của mình một cách thuận lợi, an toàn.

Để phát huy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, cần có là các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới.

>> Nhận diện động lực tăng trưởng kinh tế 2024

Quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đòi hỏi phải có một môi trường pháp lý, một văn hoá khoan dung với các các ý tưởng mới, với sự thất bại của các doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại, và bắt đầu lại khi thất bại.

Điều này sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ mà còn ở các doanh nghiệp lớn. Chỉ có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, bền bỉ và được nuôi dưỡng, khuyến khích trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn về vốn, nhân lực, công nghệ, trình độ quản trị để phát huy năng lực nội sinh, lớn mạnh về tầm vóc và chất lượng, nâng cao sức chống chọi, năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình, của cộng đồng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> INFOGRAPHICS: Con tàu kinh tế tháng 1/2024 'chuyển động' mạnh mẽ

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dưới góc nhìn mới của OECD

Lộ lý do Bình Thuận tăng trưởng kinh tế thần tốc vượt kế hoạch

Tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước sắp đón thêm một thành phố

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-le-duy-binh-kinh-te-viet-nam-2024-dong-luc-nao-trong-luc-kho-khan-222869.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ông Lê Duy Bình: Kinh tế Việt Nam 2024 - động lực nào trong lúc khó khăn?
POWERED BY ONECMS & INTECH