Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho hoạt động vận tải hàng quá cảnh, sáng 18/7, VCCI và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Gỡ nút thắt cho vận tải hàng quá cảnh”…
Theo đó, sáng ngày 18/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) tổ chức Tọa đàm “Gỡ nút thắt cho vận tải hàng quá cảnh”.
Thông tin tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch VATA cho biết, mặc dù luôn chia sẻ với hoạt động quản lý Nhà nước, và đảm bảo các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang “vướng” ở thủ tục kiểm soát hàng quá cảnh.
Cụ thể, theo ông Quyền, tại cửa khẩu nhập, hàng hóa đã được hải quan kiểm tra thực tế ngay sau khi các doanh nghiệp quá cảnh vừa nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài tại khu vực giám sát của hải quan. Thế nhưng, đến khi vận chuyển đến cửa khẩu ra thì lại bị mở ra kiểm tra hàng hóa bằng phương pháp thủ công, thời gian kiểm tra kéo rất dài, có khi 2-3 ngày dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: hư hỏng, tăng chi phí bốc xếp,… khiến doanh nghiệp vô cùng lo ngại.
“Nếu hiện trạng này không có phương án giải quyết sớm sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khiến chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, giảm tải sự hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp”, ông Quyền chia sẻ.
Theo ông Quyền, các doanh nghiệp mong muốn, thông qua Tọa đàm này, các cơ quan quản lý có thể có cái nhìn khách quan, đa chiều, đưa ra được các giải pháp thiết thực, để công tác giám sát không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục quá cảnh hàng hóa của các doanh nghiệp hiện nay, về mặt pháp lý, Luật sư Nguyễn Mạnh Cường cho hay, quy định về kiểm tra và xử phạt hàng quá cảnh đang tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù các container hàng hóa khi quá cảnh vào cửa khẩu đều được gắn chip điện tử để có thể kiểm soát được việc di chuyển, tuy nhiên, lại phát sinh hoạt động kiểm tra thực tế, tháo chì, sau đó xử phạt hành chính doanh nghiệp. Đáng nói, các doanh nghiệp chỉ thực hiện việc vận chuyển, thực hiện thủ tục làm tờ khai căn cứ trên những thông tin từ chủ hàng nước ngoài ra cung cấp, luôn đảm bảo niêm phong,… nên việc kiểm tra và xử lý với các doanh nghiệp là chưa thuyết phục.
Từ đó, vị này kiến nghị, cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu nhập trước khi container của chủ hàng nước ngoài chuyển sang phương tiện của doanh nghiệp vận tải Việt Nam; Không xem xét tiến hành kiểm tra thực tế tại cửa khẩu xuất đi; Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải bằng thiết bị hiện đại, không kiểm tra thủ công.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, các doanh nghiệp cũng đề nghị Tổng cục Hải quan lập một đề án đánh giá lại công tác giám sát hải quan với hàng quá cảnh, hướng tới phương thức quản lý chặt chẽ khoa học, dựa trên công nghệ, giúp quá trình giám sát hải quan có hiệu quả tối đa, trong khi vẫn đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp logistics, vị thế Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Theo ông Trần Đức Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, chủ hàng nước ngoài không hiểu sao hàng hóa của họ đi qua lãnh thổ Việt Nam chỉ 3-4 tiếng, hoặc 20-36 tiếng, mà phải tuân thủ đầy đủ quy định liên quan đến hàng rào phi thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu... đây là hoạt động kiểm tra quá mức. Trong quá khứ, đã từng có lúc cơ quan hải quan dừng hàng trăm container hàng hóa để kiểm tra thủ công, và trong thời vừa qua, cũng lại xuất hiện vài chục chục container hàng bị dừng kiểm tra cùng một lúc tại một số cửa khẩu.
“Chúng tôi không lo lắng về con số vài chục container cùng bị dừng kiểm tra, mà chúng tôi lo ngại tình trạng như năm 2019-2020, có thời điểm cả trăm container bị ách lại. Đó là thảm cảnh của vị thế Việt Nam trong tuyến đường lưu chuyển hàng hóa quốc tế”, ông Nghĩa bày tỏ.
Theo ông Nghĩa, một trong những lỗi doanh nghiệp vận tải thường xuyên bị phạt là khai sai hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp cho rằng “khai sai thì phạt”, nhưng “phạt ai”? Các doanh nghiệp không đồng tình với việc hải quan phạt doanh nghiệp vận tải Việt Nam.
Cùng với các ý kiến đã nêu, Tọa đàm cũng lắng nghe nhiều doanh nghiệp chia sẻ về những tồn tại đã và đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề khai sai, khai không đúng tên hàng,… và các khó khan, hệ lụy do quá trình kiểm tra hàng quá cảnh mang lại.
Phản hồi các doanh nghiệp, ông Đỗ Huy Thọ - Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan cũng đã nhận được ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc nêu, liên quan đến hang hóa quá cảnh, Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính cũng luôn xác định đây là lĩnh vực đem lại lợi thế lớn cho Việt Nam trong những năm qua, nên rất khuyến khích, và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp…
Theo ông Thọ, cơ quan Hải quan luôn xác định không kiểm tra tràn lan hàng hóa, trừ khi có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, tại cửa khẩu Chalo, tỉnh Quảng Bình từ đầu năm đến nay có 12.736 tờ khai, hải quan kiểm tra 16 tờ khai phát hiện 14 tờ khai vi phạm; tại Bình Phước có 3.829 tờ khai, hơn 5.400 container, kiểm tra 17 tờ khai, phát hiện 4 vi phạm; tại Lạng Sơn có 2.996 container, hải quan kiểm tra 8 conntainer và phát hiện 6 vụ vi phạm; tại Long An có 5.992 tờ khai, hải quan kiểm tra 23 tờ khai, phát hiện vi phạm tại 11 tờ khai.
“Tức là tỷ lệ kiểm tra của cơ quan hải quan là rất nhỏ, chỉ chưa đến 1% trên tổng số các lô hàng quá cảnh nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm thì lại nhiều như thế”, ông Thọ chia sẻ.
Về việc các doanh nghiệp nói rằng không nên xử phạt doanh nghiệp vận tải mà nên xử phạt chủ hàng, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, hàng quá cảnh doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển, trên cơ sở ủy quyền của chủ hàng. Khi khai báo hải quan, doanh nghiệp khai kèm theo bảng kê, lấy thông tin chủ hàng để kê. Đây cũng là cái khó cho doanh nghiệp, nhưng theo quy định ,khi được ủy quyền thì phải khai chuẩn...
Cùng với phản hồi từ Cục Giám sát quản lý về hải quan, tại Tọa đàm, đại diện Cục Phòng, chống buôn lậu, cũng có những giải đáp đối với các ý kiến từ phía doanh nghiệp.
Các cơ quan của Tổng cục Hải quan ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp tại Tòa đàm, cùng với những vấn đề đã được giải đáp, các tồn tại cũng sẽ được đơn vị này tiếp thu, báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo để xem xét tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.
Tổng kết Tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Quốc hội, Chính phủ luôn nhất quán trên tinh thần, những quy định cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế đều được yêu cầu rà soát, sửa đổi… vì vậy, cái gì tốt cho đất nước, tốt cho nền kinh tế chúng ta phải kiến nghị.
“Không hiến kế, không thúc đẩy thay đổi thì chờ cũng khó… Vì vậy, các Hiệp hội cũng nên tham khảo các cách tiếp cận của các nước trên thế giới về vấn đề này để có thể tham mưu cho các cơ quan quản lý về các thông lệ quốc tế, Việt Nam cần tiếp thu những gì… không thể để mãi viễn cảnh một người đau bụng mà bắt cả làng uống thuốc…”, ông Tuấn chia sẻ.
2 doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh ra sao trước khi hợp nhất?
Ảnh hưởng bão Yagi, một doanh nghiệp vận tải báo lỗ trong quý III/2024