Gỡ rào cản để phát huy hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ngày 29/3, tại Bình Thuận, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính và Viện Konrad Adenauer Stiftung - Cộng hòa Liên Bang Đức đã phối hợp tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp".
Cần sửa luật để phù hợp với các bước đột phá mới
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, khi tổng kết luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (luật 69) giai đoạn 2015 – 2021, cả nước đã có trên 800 DN có vốn Nhà nước, với tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm khoảng 33% tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các DN hiện nay, khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại các DN này khoảng 1,67 triệu tỷ. Tuy nhiên, những con số nêu trên cũng chưa thể hiện hết được tầm vóc, sự quan trọng, ý nghĩa của khu vực DN Nhà nước đối với nền kinh tế, đối với đất nước trong những năm vừa qua.
Vai trò này càng được thể hiện mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn ví dụ như giai đoạn trong và sau dịch bệnh COVID-19.
Hành lang pháp lý cho hoạt động của DNNN là luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, đến nay cũng đã được ban hành gần 10 năm. Hành lang pháp lý của Luật cũng tạo được khuôn khổ trong việc quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, Luật này trong những năm vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của DN cũng như chưa đáp ứng được các định hướng, chủ trương mới của Đảng.
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thực sự tách bạch, chưa phân định được một cách rõ ràng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DN.
Thứ hai, việc đầu tư vốn nhà nước tại DN cũng chưa có được sự chủ động, chưa có một hành lang để cho các DN hoạt động một cách linh hoạt, kịp thời theo các tín hiệu của thị trường. Việc đánh giá, xếp loại DN cũng như việc đánh giá khả năng bảo toàn vốn của DN cũng chưa phù hợp với thực tiễn của DN nhà nước.
Nhấn mạnh cần sửa luật nhưng bà Phạm Thúy Chinh cũng cho rằng: Đây là một Luật rất khó, rất nhiều chiều và giải quyết cùng một lúc rất nhiều mục tiêu, do đó cần đánh giá, nghiên cứu, thiết kế một khuôn khổ pháp lý mới một cách hết sức kỹ lưỡng, thận trọng để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong thời gian vừa qua".
Dưới góc nhìn quốc tế, ông Florian Feyerbend - Viện Konrad, có cùng quan điểm là cần thiết phải sửa đổi Luật để phù hợp với những thay đổi mang tính đột phá của nền kinh tế Việt Nam.
Đại diện Viện Konrad cũng cho rằng, những DN có vốn đầu tư của Nhà nước đang hoạt động rộng khắp các lĩnh vực và trải dài hầu hết các địa phương trong cả nước. Những DN này đang tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Việc điều chỉnh Luật sẽ có tác động rất lớn đến các DN nêu trên, người lao động và cả địa phương nơi DN có trụ sở.
Phân định rõ chức năng, giảm can thiệp, tăng tính cạnh tranh của DNNN
Đại diện cơ quan soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã trình bày về quá trình triển khai xây dựng dự án Luật. Theo đó, Bộ Tài chính đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tập trung quyết liệt và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy trình, trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng. "Đến nay, cơ bản hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tài chính tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện theo yêu cầu của Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật theo quy định", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.
Về quan điểm xây dựng Luật, Thứ trưởng cho biết thêm, cơ quan soạn thảo thực hiện đảm bảo các nguyên tắc.
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan.
Thứ ba, kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định phù hợp của pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN gắn với việc phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và DN.
Thứ năm, bảo đảm các nguyên tắc về đầu tư vốn, quản lý thống nhất thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, "quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát"; nhà nước đầu tư vốn tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN…
Trao đổi những kinh nghiệm từ CHLB Đức, ông Leif Dustin Schineider, Phó Chủ tịch Tiểu ban pháp luật, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, theo kinh nghiệm tại Đức, việc sử dụng vốn nhà nước trong DN thương mại có thể mang lại những lợi ích nhất định như giúp kiểm soát đầu tư chiến lược; tăng cường sự ổn định của thị trường; thúc đẩy lợi ích công cộng. Tuy nhiên, việc này cũng mang lại không ít rủi ro như sự kém hiệu quả hay quan liêu trong quản trị; trì hoãn hoặc thiếu sự đổi mới sáng tạo; sự can thiệp chính trị quá mức và bóp méo cạnh tranh thị trường công bằng.
Do đó, ông Leif Dustin Schineider góp ý, khi sửa Luật, Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích và hạn chế những cạm bẫy của sở hữu nhà nước trong DN thương mại bằng cách: Thực hiện cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện quản lý và giám sát chặt chẽ; tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị và cơ cấu
"Bằng cách tuân theo những hướng dẫn này, các DNNN có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại giá trị cho các bên liên quan và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước", ông Leif Dustin Schineider nhấn mạnh.
Góp ý chi tiết vào các nội dung tại dự thảo, Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng đề nghị đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trên cơ sở tổng thể, mục tiêu dài hạn của DN, không tách bạch đánh giá theo từng dự án đầu tư để từ đó thể phát huy tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của DN.
Bên cạnh đó, cho phép DNNN kinh doanh hiệu quả nhiều năm liền được phép giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vào vốn điều lệ được duyệt nhằm phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế…
Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh cho biết: Dự thảo luật đề xuất có 6 nhóm chính sách lớn gồm: chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào DN; chính sách về hoạt động đầu tư của DN; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN; chính sách về quản trị DN.
Trong đó, mục tiêu của chính sách quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN nhằm xác định nguyên tắc: "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ"; bảo toàn, hiệu quả, linh hoạt và công khai, minh bạch. Vốn nhà nước đầu tư tại DN phải được quản lý, kiểm soát; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để làm tốt vai trò dẫn dắt, mở đường cho các DN thuộc thành phần kinh tế khác phát triển…
Ông Bùi Tuấn Minh nêu giải pháp lựa chọn chính sách là phân công rõ, phân cấp mạnh cho các cấp quản lý vốn nhà nước đầu tư và DN, gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn.
Tại hội thảo, các đại biểu, đại diện các DN, DNNN và các chuyên gia kinh tế cũng đã tập trung thảo luận và cho ý kiến góp ý xung các quy định tại dự thảo luật. Theo đó, đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng cần thiết phải xây dựng và ban hành luật thay thế Luật 69 nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn nhà nước tại DN.
Theo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) của Quốc hội; dự kiến sẽ triển khai xây dựng Luật cụ thể để Chính phủ trình Quốc hội trong 2 kỳ họp.
"Việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị, không vì mục tiêu lợi nhuận", đại diện Cục Tài chính DN nói.
Kết luận tại Hội thảo, bà Phạm Thúy Chinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tham dự tại Hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng để các cơ quan xây dựng và thẩm tra sẽ tiếp thu trong quá trình xây dựng Luật.
Phát huy vai trò nòng cốt, mở đường của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế