Hà Nội: Cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo, người phụ nữ ở Cầu Giấy bị chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng
Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.
Chiều tối 29/6, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang điều tra, xác minh một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, thủ đoạn của đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân (CCCD) bị lỗi hoặc phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh. Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc.
Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, kẻ gian sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Với thủ đoạn trên, chị T. (SN 1983, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đã “mắc bẫy" của nhóm đối tượng lừa đảo. Cụ thể, ngày 11/6, chị T nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là cán bộ Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Người này thông báo tài khoản định danh của chị bị lỗi. Đối tượng hướng dẫn chị T. cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo". Sau khi cài đặt, chị T. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 1,2 tỷ đồng. Biết mình bị lừa, chị T. đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Ảnh: Công an Hà Nội |
>> Gỡ ngay 3 ứng dụng này để tránh nguy cơ mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng
Theo Công an TP. Hà Nội, thời gian qua, xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan Công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo" rồi chiếm đoạt tài sản.
Do đó, Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
>> Cảnh báo số điện thoại lừa đảo đầu 0588: Một người bị chiếm đoạt 1 tỷ đồng sau khi nghe máy
Ngày 1/7 tới đây, Quyết định 2345 của NHNN sẽ chính thức có hiệu lực. Quyết định này quy định mọi giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng thì người dân phải xác thực sinh trắc học.
Theo NHNN, Quyết định 2345 được ban hành với mục đích bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, biện pháp này cũng sẽ phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Cảnh báo số điện thoại lừa đảo đầu 0588: Một người bị chiếm đoạt 1 tỷ đồng sau khi nghe máy
Nữ kế toán từ chối chuyển 3,5 tỷ cho ‘đối tác’, khôn ngoan giúp cảnh sát bắt giữ ổ lừa đảo tinh vi