Hà Nội cần hướng mặt ra sông Hồng
“Sông Hồng phải chảy giữa lòng Hà Nội. Tôi tin rằng đã đến lúc cần có cái nhìn khác. Hà Nội cần hướng mặt ra sông” - đó là quan điểm của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê, chuyên gia về quy hoạch đô thị.
Theo ông Hoàng Hữu Phê, năm 2008, thời điểm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có xu hướng phát triển đô thị “hơi lệch hướng về phía Tây Nam”, theo đó tuyến đường Nguyễn Trãi là trục chính. Tuy nhiên, đến bây giờ, có thể thấy xu hướng này đã tạo ra những trở ngại nhất định về mặt địa lý đối với sự phát triển của Thủ đô. Giờ đây, thành phố đã tính đến phương án quy hoạch lấy sông Hồng làm trục xanh, phát triển về phía bên kia sông và có những động thái tích cực nhằm hiện thực hoá “khát vọng” này.
“Mặc dù, đã phát triển thành vùng và mở rộng ra đáng kể, nhưng không thể phủ nhận rằng Hà Nội vẫn phát triển chủ yếu theo “cấu trúc hướng tâm”, trong đó Hồ Hoàn Kiếm là trung tâm. Ở những thập niên trước, người ta thường nói rằng lấy Hồ Gươm làm tâm, dùng một chiếc compa vạch trong bán kính vài trăm mét, nếu ai nằm ngoài khu vực đó sẽ bị coi là đang ở ngoại ô thành phố”, Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê. “Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng xu hướng chung của đô thị là chuyển đổi từ những cơ cấu đơn cực sang cơ cấu đa cực, và thực tiễn đã chứng minh hầu hết các thành phố hiện đại, đô thị lớn trên toàn cầu đều phát triển theo mô hình này”.
TS.KTS Hoàng Hữu Phê nhận định, đô thị về bản chất là một sản phẩm tích hợp phức tạp nhất mà con người tạo ra. Vì vậy, để hiểu được quá trình hình thành, phát triển đô thị và quy hoạch nó cần một sự nỗ lực rất lớn. Với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, phát triển thành phố về phía bắc, bao gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ trở thành một hình mẫu đô thị phát triển theo cấu trúc đa cực đặc trưng, cho các nước có trình độ phát triển nhanh trong tương lai.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê |
“Câu chuyện phát triển Hà Nội về phía bên kia sông Hồng động đến hai vấn đề rất lớn: Thứ nhất là cấu trúc đa cực của Hà Nội, và thứ hai là những cực ấy sẽ là những cực như thế nào?”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê chỉ rõ.
Ông nói, trước kia, khi nhắc đến đa cực, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc xây dựng các khu đô thị tập trung dân cư sinh sống, mà không hề chú trọng đến các tiện ích công cộng hay hệ thống giao thông đi kèm. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho kế hoạch phát triển theo mô hình thành phố vệ tinh bao quanh đô thị lõi của Hà Nội, phần nào không đạt được kỳ vọng.
“Vậy câu hỏi đặt ra là những đô thị ấy sẽ “sống” bằng cách nào? Phát triển các cực mới, đô thị mới không chỉ là xây dựng nhà ở, mà quan trọng hơn là phải tạo được nguồn sống cho nó và để nó không bị biến thành ‘những đô thị ma’”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê nhận định. “Trong quan điểm của tôi, mỗi một cực cần phải được đảm nhận một chức năng nào đó với thế mạnh vượt trội hơn so với phần còn lại, và phải được đầu tư phát triển toàn diện, đúng mức, chỉ khi đó thành phố Hà Nội mới có thể lấy sông Hồng làm trục cảnh quan chính, phát triển theo cấu trúc đa cực một cách bền vững”.
Theo Lý thuyết “Vị thế - Chất lượng” được TS.KTS Hoàng Hữu Phê và Giáo sư Patrick Wakely phát triển và công bố tại Đại học Tổng hợp London (UCL): Các đô thị có cấu trúc đa cực, các cực phát triển là nơi có vị thế xã hội cao nhất, và các khu dân cư sẽ tạo thành các vành đai đồng tâm quanh các cực vị thế xã hội. Ở đây, vị thế xã hội có thể hiểu là chức năng nổi bật, đặc trưng riêng của từng cực, như chính trị, văn hóa, giáo dục, thương mại… tùy theo hình thái xã hội và phản ánh được các giá trị xã hội cốt lõi.
TS.KTS Hoàng Hữu Phê nhấn mạnh rằng hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều phát triển bên sông, như New York, Seoul, London, Paris, Budapest… họ tận dụng được tối đa lợi thế địa hình này như một nguồn tài nguyên lớn lao về cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, với Hà Nội, vai trò của sông Hồng vẫn chưa được đặt ở đúng mức.
“Thật đáng buồn khi từ trước đến nay Hà Nội phát triển mà quay lưng lại với sông Hồng. Trải dọc bờ sông là khung cảnh xấu xí nhất của thành phố với những bãi bồi nhem nhuốc, vô cùng thiếu mỹ quan. Tình trạng này đã đến lúc cần phải được thay đổi và cải thiện ngay lập tức”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê chia sẻ. “Dù đã có rất nhiều đô thị đã thành công với định hướng phát triển bên sông, nhưng sẽ không có một mô hình chung để Hà Nội có thể ứng dụng. Mỗi một đô thị sẽ đều có những điểm khác biệt riêng, và từ đó có một con đường phát triển riêng”.
Hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ tồn tại giữa các quốc gia, mà thậm chí còn tồn tại giữa các đô thị, khi mà khái niệm mới về cạnh tranh đô thị (urban competition) đã xuất hiện trong vòng vài thập niên trở lại đây. Nếu hiện thực hoá được khát vọng phát triển bên sông Hồng, đây sẽ là một động lực mới, giúp nâng cao sức cạnh tranh của Hà Nội trước các đô thị lớn khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, cũng như trong hệ thống đô thị toàn cầu.
“Thông thường, người ta chỉ quan sát một cách rất cục bộ rằng khu này đông, khu kia chật mà quên đi bức tranh tổng thể: Sông Hồng phải chảy giữa lòng Hà Nội. Tôi tin rằng đã đến lúc cần có cái nhìn khác. Hà Nội cần hướng mặt ra sông”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê chỉ rõ. “Một khi thành phố xác định được đây là mục đích đạt đến, thì việc xây dựng thành phố phía Bắc là một điều hiển nhiên và chắc chắn sẽ là một xu thế phát triển không thể đảo ngược”.
Tuy nhiên, TS.KTS Hoàng Hữu Phê cũng lưu ý rằng bên cạnh những yếu tố về vật thể, các yếu tố phi vật thể cũng cần phải được tính đến, bởi khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chính thức được triển khai, mọi thứ xung quanh khu vực này kéo theo đó cũng sẽ bị biến đổi. Thực tế cho thấy nhóm thành tố vật thể thường có quán tính cao, thay đổi chậm, trong khi đó, nhóm thành tố phi vật thể thường thay đổi nhanh hơn, chủ động hơn và biến đổi sâu sắc hơn.
“Chỗ đứng của các yếu tố phi vật thể, bao gồm lịch sử và văn hoá, trong quá trình quy hoạch khu vực sông Hồng là không thể chối bỏ. Thế nhưng, chúng ta cần xác định rõ theo ba cấp độ dựa trên tình huống đô thị, bao gồm: bảo tồn lịch sử, tôn tạo di sản, và tái phát triển, từ đó, xây dựng được một hướng đi phù hợp, chứ không thể giữ khư khư những mảnh ghép cũ”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê khẳng định.
Ông giải thích cụ thể hơn rằng với cấp độ thứ nhất được áp dụng cho các công trình di sản đặc biệt, cần phải giữ nguyên trạng lịch sử. Ở cấp độ thứ hai, mọi thay đổi đều cần phải tuân theo một quy chuẩn nhất định nhằm bảo đảm giữ được bản sắc văn hoá của khu vực, nhưng không gò bó với việc phải giữ cho mọi thứ ở trạng thái nguyên bản. Trong khi đó, ở cấp độ cuối cùng, các hoạt động xây dựng, phát triển, tái thiết đều có thể được triển khai nhằm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
“Quy hoạch khu vực sông Hồng, phát triển về phía bên kia sông là xu hướng tất yếu, song Hà Nội vẫn cần phải rất thận trọng và tính toán thật kỹ lưỡng trước khi đưa vào triển khai thực tế, bởi bên cạnh những thành tựu, ngành quy hoạch cũng gặp không ít những thất bại. Bản thân đô thị là một “cơ thể” quá phức tạp để có thể kiểm soát”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê nhấn mạnh.
TS.KTS Hoàng Hữu Phê, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện là Chủ tịch HĐQT của R&D Consultants. Ông là nhà quy hoạch nổi tiếng, từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình quan trọng tại Thủ đô, như Rạp xiếc Trung ương, khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính.
TS.KTS Hoàng Hữu Phê nhận bằng Tiến sĩ Quy hoạch Đô thị tại Đại học Tổng hợp London (UCL) năm 1998. Ông đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về hình thái đô thị, tôn tạo đô thị tại Việt Nam, từng được Tạp chí hàng đầu thế giới về nghiên cứu đô thị - Urban Studies, trao tặng Giải thưởng Donald Robertson cho công trình Lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO), thực hiện cùng Giáo sư Patrick Wakeley tại UCL.