Hà Nội hút hơn 1,6 tỷ USD vốn FDI, thu ngân sách vượt dự toán năm gần 17.000 tỷ đồng
10 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội đều tăng trưởng đáng kể.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 425.200 tỷ đồng, bằng 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thu nội địa đạt 398.700 tỷ đồng, bằng 105,3% dự toán và tăng 22,5%; thu từ dầu thô đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 105,1% và giảm 17,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.100 tỷ đồng, bằng 85,6% và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về chi ngân sách địa phương, tổng chi 10 tháng đầu năm ước đạt 79.100 tỷ đồng, bằng 54,0% dự toán năm và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 35.500 tỷ đồng, bằng 45,0% dự toán và tăng 27,9%; chi thường xuyên đạt 42.900 tỷ đồng, bằng 74,2% và tăng 15,5%.
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 10 tháng đầu năm, IIP của Hà Nội tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng qua, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đều đạt mức tăng trưởng khá, với ngành sản xuất máy móc, thiết bị tăng cao nhất, đạt 26,3%. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất ghi nhận chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ, như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,8%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 0,8%, sản xuất xe có động cơ giảm 0,8%, và sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị giảm 0,1%.
Hà Nội thu ngân sách vượt dự toán năm gần 17.000 tỷ đồng |
>> Một thị xã sắp 'cất cánh' lên thành phố, thu ngân sách vượt nhiều tỉnh khác
Trong 10 tháng đầu năm, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 24.900 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 228.300 tỷ đồng, giảm 5,7% về số lượng và giảm 11,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trên địa bàn có 8.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,1%; 21.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20,1%; 3.900 doanh nghiệp giải thể, tăng 28,0%; và 4.800 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,1%.
Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Cụ thể, thành phố cấp mới 233 dự án với tổng vốn đạt trên 1,1 tỷ USD; 160 lượt tăng vốn với tổng vốn 184 triệu USD; và 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208 triệu USD.
Về bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, 10 tháng đầu năm, cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố trong tháng 10 duy trì ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 77.500 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699.200 tỷ đồng, tăng 10,7%.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 441.400 tỷ đồng, chiếm 63,1% tổng mức và tăng 10,7%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 95.400 tỷ đồng, chiếm 13,7% và tăng 11,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 23.400 tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 40,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 139.000 tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 6,5%.
Về hoạt động du lịch, trong 10 tháng, Hà Nội đón 5,11 triệu lượt khách, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 3,521 triệu lượt, tăng 37,0%; khách nội địa đạt 1,589 triệu lượt, tăng 13,0%.
>> Lộ diện 5 địa phương gia nhập 'câu lạc bộ' thu ngân sách vượt mốc 50.000 tỷ đồng
VinFast chiếm thị phần số 1 Việt Nam
VinBus của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khai trương tại thành phố thứ 5, miễn phí vé 10 ngày