Hà Nội lập trạm xét nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ

17-11-2022 23:45|Thiên Ban

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Sở đang hướng dẫn lập các trạm xét nghiệm nhanh tại chợ để người tiêu dùng có thể kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa khi mua sắm.

Nhiều chợ chưa đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngày 15/11/2022, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, hiện TP có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 18 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, hệ thống chợ phục vụ 60% nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm trên địa bàn.

Theo Sở Công thương Hà Nội, nhiều năm qua, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều bước tiến, song vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các tiểu thương còn yếu; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên; nhận thức của người tiêu dùng chưa cao; còn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm chưa đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm…

Chia sẻ về thực trạng kinh doanh tại chợ, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình trạng không đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn TP là rất quan ngại. Kết quả khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho thấy cơ sở vật chất không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Cùng với đó, sự hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại chợ còn nhiều hạn chế. Tới 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh. Tại chợ đầu mối phía Nam, chỉ có 9,5% các quầy hàng có kết cấu vững chắc, gọn sạch; 5,7% trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc bảo đảm an toàn…

Trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh của chợ và các cơ sở chưa đáp ứng được điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Lập các trạm tiết kiệm nhanh ở các chợ

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, thời gian qua ngành công thương Hà Nội đã hoàn thành việc khảo sát toàn bộ hệ thống, mạng lưới chợ, để đánh giá về hạ tầng thương mại đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức 268 lớp tập huấn với trên 11 nghìn lượt người tham dự, 96 hội nghị, hội thảo; hướng dẫn hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn…

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý về an toàn thực phẩm

Trước thực trạng kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng, sức khỏe của nhân dân cũng như sự phát triển của kinh tế xã hội.

Việc quản lý, tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông tại chợ đang trở thành vấn đề cần thiết và bức xúc đối với người dân Thủ đô.

Ngày 5/11/2021, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4727/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”.

Đồng thời, nội dung của Đề án đã được Thành ủy Hà Nội đưa vào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự tại Hội thảo, Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời gian Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng các sở, ngành Thành phố, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; phối hợp với UBND các quận, huyện hỗ rợ các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện các thủ tục pháp lý; đẩy mạnh cấp biển nhận diện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu tại Đề án.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ,…

“Phấn đấu đến hết tháng 12/2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn TP đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện. Từ đó góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân”, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết.

Đề xuất về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

‘Cởi trói’ cho bệnh viện công lập trong mua sắm hàng hoá, thiết bị y tế

Những lưu ý khi mua sắm để không trở thành nạn nhân trong dịp Black Friday

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ha-noi-lap-tram-xet-nghiem-an-toan-thuc-pham-tai-cac-cho-d101942.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hà Nội lập trạm xét nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ
POWERED BY ONECMS & INTECH