Hà Nội nêu 8 lý do không sáp nhập quận Hoàn Kiếm
Chỉ tiêu về diện tích của quận Hoàn Kiếm chỉ đại 15% quy định, nhưng Hà Nội đề xuất không sáp nhập quận này với lý do đây là trung tâm của thành phố, có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời.
TP Hà Nội vừa hoàn thành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Do không đủ tiêu chí về diện tích, dân số nên quận Hoàn Kiếm và 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập.
Theo quy định, một quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Tuy nhiên, quận Hoàn Kiếm chỉ đủ tiêu chuẩn về dân số, diện tích chỉ đạt 15% (5,35 km2).
Dù vậy, TP Hà Nội cho rằng không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm vì 8 lý do.
Cụ thể, Hoàn Kiếm là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của TP Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa… gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô.
Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ, gắn với sự hình thành của khu 36 phố phường, có 5 Cửa Ô từ đầu thế kỷ XX.
Hầu hết phường thuộc quận Hoàn Kiếm đều có tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng riêng, tồn tại tên gọi từ hàng trăm năm trước đến nay. Khu phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Quận có hai di tích Quốc gia đặc biệt là Đền Bạch Mã và di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Tên của quận Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết trả gươm sau chiến tranh giải phóng dân tộc của Vua Lê Thái Tổ.
Quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, được chia ra làm 3 khu vực chính: Khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ, giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay.
Kinh tế quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, du lịch, dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt so với kế hoạch thành phố giao (năm 2021, 2022 đạt hơn 14.000 tỷ đồng).
TP Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng các đề án quan trọng, như: Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cũ thành vùng di sản; phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng...
Quán quân Đường lên đỉnh Olympia từng bỏ học tiến sĩ, về nước hiện ra sao?
Thủ đô Hà Nội dự kiến thành lập mới thêm 6 quận/thành phố, đô thị