Hà Nội sẽ lấy ý kiến người dân việc hạn chế xe cá nhân
Sau khi họp và thống nhất trình HĐND thành phố vào cuối năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra 6 nội dung để các quận nội thành khảo sát, lập nên các vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông tại địa bàn.
Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 4/11, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) - cơ quan chủ trì xây dựng đề án vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông - cho biết, cuối tuần qua lãnh đạo UBND thành phố đã họp cho ý kiến về một số nội dung có kế hoạch trình HĐND thành phố, trong các nội dung này có dự thảo Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn TP. Hà Nội.
“Qua xem xét dự thảo quy định được Sở TN&MT trình, lãnh đạo UBND thành phố cơ bản thống nhất cơ bản các nội dung được dự thảo xây dựng. Tuy nhiên, để rõ ràng hơn về các bước, nội dung và lộ trình thực hiện trước khi khi trình HĐND thành phố, UBND thành phố đã yêu cầu cơ quan soạn thảo cần bổ sung, hoàn thiện rõ ràng một số nội dung liên quan khu vực thực hiện vùng phát thải thấp” - đại diện Sở TN&MT Hà Nội, nói.
Hà Nội sẽ lập các vùng phát thải thấp đảm bảo vệ môi trường và sẽ hạn chế xe máy, ô tô đi vào. |
Theo đó, cùng với bám sát 5 tiêu chí xây dựng vùng phát thải, với cơ quan, đơn vị xác lập, thực hiện vùng phát thải, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận căn cứ vào tình hình hạ tầng, khả năng phục vụ của vận tải công cộng, điều kiện người dân sinh sống để xác định và lập hồ sơ xây dựng vùng phát thải thấp phù hợp với điều kiện, đặc thù và năng lực của địa phương 6 điều kiện cần tuân thủ.
6 điều kiện được UBND TP. Hà Nội yêu cầu các quận phải tuân thủ, bám sát thực hiện.
Thứ nhất, khảo sát và đánh giá hiện trạng: Thu thập dữ liệu về chất lượng không khí, mật độ giao thông và các nguồn phát thải trong khu vực.
Thứ hai, xác định ranh giới vùng: Dựa trên các tiêu chí ô nhiễm và mật độ dân cư.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch hành động: Xác định các biện pháp giảm phát thải, bao gồm quy định về phương tiện và khuyến khích giao thông công cộng.
Thứ tư, tham vấn cộng đồng: Lấy ý kiến của người dân và các bên liên quan.
Thứ năm: Đề xuất các quy định cụ thể và lộ trình thực hiện.
Thứ sáu, giám sát và đánh giá: Theo dõi hiệu quả của các giải pháp và điều chỉnh nếu cần.
Để hình thành các vùng phát thải thấp (vùng an toàn) được nêu trong Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua, UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở TN&MT xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Từ nghị quyết này, thành phố sẽ dựa vào một số tiêu chí về đặc điểm dân cư - kinh tế; mức độ ô nhiễm không khí; tính khả thi về hạ tầng giao thông... để xây dựng các vùng phát thải thấp.
Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2025-2030 thành phố sẽ xây dựng các vùng có mức phát thải thấp theo các tiêu chí để hạn chế, cấm phương tiện giao thông có mức xả thải cao, không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường đi vào.
Hà Nội hạn chế xe xăng: Vô cùng cần thiết để 'cấp cứu' môi trường ô nhiễm
Trời Hà Nội mờ đục vì ô nhiễm, một số nơi không khí ở mức xấu