Huawei và Ericsson vừa ký thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế dài hạn trên toàn cầu, bao gồm bằng sáng chế thiết yếu theo các tiêu chuẩn: 3GPP, ITU, IEEE và IETF cho công nghệ di động 3G, 4G và 5G.
Theo thoả thuận, hai bên kinh doanh qua lại các thiết bị hạ tầng mạng và thiết bị tiêu dùng, cũng như quyền truy cập toàn cầu vào danh mục các công nghệ chuẩn hoá, đã được cấp phép của nhau.
Huawei và Ericsson là các doanh nghiệp đóng góp lớn cho danh mục bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (Standard Essential Patents – SEP) cho lĩnh vực viễn thông di động. Vì thế, cả hai đều nhìn nhận được giá trị tài sản trí tuệ của nhau. Thông qua thỏa thuận, hai công ty được trao và nhận quyền truy cập vào các công nghệ chủ chốt của nhau.
Theo ông Alan Fan, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ của Huawei, thỏa thuận sẽ giúp xây dựng một môi trường sáng chế mạnh hơn, đồng thời thể hiện sự cam kết của hai bên trong việc thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đúng mực.
Ngoài ra, chia sẻ cải tiến công nghệ còn góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững của ngành, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm và dịch vụ cải tiến hơn.
Trong suốt 20 năm qua, Huawei là nhà cung cấp tiêu chuẩn ICT chính thống, bao gồm các lĩnh vực công nghệ di động, Wi-Fi và chương trình mã hoá dữ liệu đa phương tiện.
Năm 2022, Huawei đứng đầu bảng xếp hạng các doanh nghiệp đăng ký bằng sáng chế của Văn phòng Sáng chế châu Âu với 4.504 đơn đăng ký.
Trong khi đó, Ericsson cũng đóng góp lớn cho 3GPP và sự phát triển của các tiêu chuẩn di động toàn cầu. Danh mục của hãng thiết bị viễn thông Thụy Điển bao gồm hơn 60.000 bằng sáng chế đã được cấp phép.
Mỗi năm, công ty đầu tư hơn 4 tỷ USD cho hoạt động R&D và đang tìm cách tăng doanh thu bản quyền sở hữu trí tuệ (IPR) thông qua các thỏa thuận và cấp phép. Ước tính, doanh thu cấp phép IPR của Ericsson năm 2023 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD.
Apple lên ngôi tại thị trường smartphone Trung Quốc, Huawei gặp khó
'Át chủ bài' của Samsung lùi thời hạn ra mắt, đại gia Hàn Quốc gặp sức ép lớn từ đối thủ Trung Quốc