Hải Dương lên phương án chiến lược đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành đường sắt

14-07-2023 11:34|Thuỳ Anh

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại Hải Dương rất lớn nên dễ xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa và ách tắc giao thông khi vận chuyển bằng đường bộ.

Hải Dương có 3 tuyến đường sắt đi qua gồm tuyến Gia Lâm - Hải Phòng dài 45,3km có 3 ga Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái phục vụ đón/trả khách; 4 ga Cao Xá, Tiền Trung, Lai Khê, Phạm Xá phục vụ vận tải hàng hoá và tránh/vượt tàu. Có 8 chuyến tàu chở khách mỗi ngày, còn các chuyến chở hàng hoá không cố định. Tuyến Kép - Hạ Long dài 13km, trên tuyến có 1 ga Cổ Thành. Tuyến Chí Linh - Phả Lại dài 15,5km là tuyến đường sắt chuyên dùng, chủ yếu phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt từ Hải Dương đi Hà Nội, Hải Phòng với lượng hành khách trung bình từ 28.000-33.000 hành khách/tháng. Năm 2022, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt trên địa bàn Hải Dương là 5.056 tấn, 5 tháng đầu năm 2023 là 2.608 tấn. Hàng hóa tại Hải Dương chưa xuất - nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt.

Hải Dương lên phương án chiến lược đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành đường sắt

Hải Dương là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu hàng đầu cả nước. Toàn tỉnh có 23 khu công nghiệp và 58 cụm công nghiệp. Theo đánh giá của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại Hải Dương rất lớn nhưng những năm qua hoạt động vận tải phụ thuộc chủ yếu giao thông đường bộ. Do đó xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hoá, ách tắc và tai nạn giao thông.

Trong khi đó, hoạt động vận tải đường sắt có khối lượng vận chuyển lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, an toàn, giá rẻ hơn nhiều so với những phương thức vận tải khác. Phát triển đường sắt còn giúp giảm áp lực cho giao thông vận tải đường bộ cũng như bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Để khắc phục tình trạng trên, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị này đã trình bày giải pháp vận tải hành khách và liên vận quốc tế đường sắt tại Hải Dương.

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất sẽ mở hoạt động liên vận quốc tế tại ga Cao Xá (Cẩm Giàng). Mục tiêu sẽ xây dựng, cải tạo ga Cao Xá theo phân khu chức năng riêng, xây bãi chứa container trên 10.000m2 có tường bao quanh, có khu vực làm hàng xuất nhập khẩu, giám sát hải quan. Cùng với đó là các dịch vụ kho bãi, xếp dỡ, dịch vụ hải quan…

Hải Dương lên phương án chiến lược đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành đường sắt

Theo phân tích của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ga Cao Xá thuận lợi về kết nối và có diện tích mặt bằng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ga có vị trí tại km 50+870 tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, kết nối với đường huyện 194B có mặt đường rộng 9m. Đường huyện 194B kết nối giữa các khu công nghiệp Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường… với cảng đường sông Tiên Kiều. Con đường này cũng kết nối từ ngã tư Đại An - quốc lộ 5 đến cảng Tiên Kiều.

Nếu tổ chức được hoạt động liên vận quốc tế hàng hóa tại Hải Dương, có thể thực hiện thủ tục khai báo xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… mà không phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển. Vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt sang Nga, EU sẽ rút ngắn 2/3 thời gian so với đường biển truyền thống.

Phát biểu tại buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bày tỏ sự nhất trí và ủng hộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về giải pháp vận tải hành khách và liên vận quốc tế đường sắt tại Hải Dương. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị việc triển khai cần thực hiện sớm, phấn đấu trước ngày 30/4/2024 đưa vào vận hành.

Giá nhà ở xã hội tại Hải Dương cao hơn cả đất nền khu đô thị

Bộ Tài nguyên hủy thanh tra 9 dự án bất động sản

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hai-duong-len-phuong-an-chien-luoc-day-nhanh-toc-do-phat-trien-nganh-duong-sat-192137.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hải Dương lên phương án chiến lược đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành đường sắt
    POWERED BY ONECMS & INTECH