Hai năm theo đuổi vụ kiện sau ‘cơn lốc’ tăng giá gạo năm 2023, Công ty APG vẫn chưa được nhận ‘phán quyết cuối cùng'
Công ty APG và đối tác ký hợp đồng mua bán 4.500 tấn gạo, tuy vậy, giá gạo tăng mạnh ngay sau đó nên đối tác không giao hàng khiến chuỗi hợp đồng bị phá vỡ cùng sự kiện này.
CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - mã chứng khoán AGM) mới đây đã công bố bản án liên quan đến tranh chấp giữa Công ty APG Capital (nay là CTCP APC Holdings - gọi tắt là Công ty APG) và Công ty Phát Tài về hợp đồng mua bán gạo. Trong vụ án này, Angimex đóng vai trò là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo phán quyết phúc thẩm, một phần kháng cáo của APG và Angimex được chấp thuận. Tuy nhiên, các nội dung khác đã được giao lại cho Tòa án để giải quyết theo thủ tục chung. Sau gần 2 năm theo đuổi, vụ kiện vẫn chưa có 'lời kết'.
Giá gạo tăng sốc khiến chuỗi hợp đồng bị phá vỡ
Theo nội dung bản án, ngày 18/7/2023, Công ty APG ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phát Tài, mua 4.500 tấn gạo với giá 12,1 triệu đồng/tấn, tổng trị giá hợp đồng 54,45 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, hàng sẽ được giao trong tháng 8/2023 và APG sẽ gửi lịch nhận hàng trước 2-3 ngày. Công ty APG đã đặt cọc trước 10% giá trị hợp đồng, tương ứng gần 5,45 tỷ đồng cho Công ty Phát Tài. Số tiền còn lại thanh toán theo tiến độ giao hàng.
Cùng ngày, Công ty APG tiếp tục ký hợp đồng phân phối với Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Angimex (Công ty Angimex) - công ty con của Angimex (Công ty AGM). Theo hợp đồng, APG cung cấp gạo để Angimex giao cho Cục dự trữ lương thực Quốc gia theo hợp đồng trúng thầu.
Tuy nhiên, đến thời hạn giao hàng, Công ty Phát Tài không thực hiện hợp đồng với lý do giá gạo tăng cao. Doanh nghiệp này đề nghị APG điều chỉnh tăng giá thêm 400 đồng/kg, hoặc chỉ nhận 50% lượng gạo đã ký kết. Công ty APG không đồng ý, vì đã có hợp đồng phân phối với Angimex, đồng thời nhấn mạnh rằng Phát Tài phải có trách nhiệm đảm bảo năng lực cung ứng theo hợp đồng.
Ngày 4/8/2023, Công ty Phát Tài thông báo hủy hợp đồng với lý do "bất khả kháng" do giá gạo tăng cao.
Công ty APG ngay lập tức gửi văn bản yêu cầu Phát Tài làm việc để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại. Công ty APG cho rằng khi đặt bút ký hợp đồng, Phát Tài đã phải xác nhận mình có đủ năng lực cung cấp 4.500 tấn gạo. Đồng thời, Công ty APG cho biết, thời điểm đó, không có yếu tố bất thường như thiên tai, mất mùa để viện dẫn điều khoản 'bất khả kháng' được kích hoạt.
Công ty Phát Tài không chấp nhận bồi thường, chỉ chuyển khoản lại số tiền cọc 10% hợp đồng (gần 5,45 tỷ đồng) mà Công ty APG đã chuyển trước đó.
![]() |
Diễn biến giá gạo thế giới từ năm 2022-tháng 2/2024. Nguồn luagaoviet.vn |
>> Giá gạo tăng cao, doanh nghiệp lương thực kẻ lãi to, người lỗ nặng
Yêu cầu bồi thường của Công ty APG
Do không đạt được thỏa thuận, Công ty APG khởi kiện Công ty Phát Tài, yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 20,85 tỷ đồng, bao gồm:
- Tiền phạt vi phạm hợp đồng: Hơn 4,35 tỷ đồng (tương đương 8% giá trị hợp đồng).
- Tiền lãi thanh toán lần 1 trên khoản đặt cọc: 38,9 triệu đồng.
- Bồi thường lợi nhuận dự kiến: Hơn 1,61 tỷ đồng nếu hợp đồng được thực hiện đúng.
- Bồi thường thiệt hại thực tế: 14,85 tỷ đồng do APG không thể thực hiện hợp đồng với Angimex, nên phải bồi thường cho phía Angimex, trong đó bao gồm:
- Tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Gần 2,95 tỷ đồng.
- Phí bảo lãnh hợp đồng: 15,84 triệu đồng.
- Lãi phát sinh từ tiền ký quỹ bảo lãnh: 49,42 triệu đồng.
- Thiệt hại do Angimex không thể tham gia đấu thầu với Tổng cục Dự trữ Nhà nước 3 năm, từ 2024-2026: 10,33 tỷ đồng.
- Thiệt hại về uy tín: Tạm tính, và điều chỉnh giảm từ 3 tỷ đồng xuống còn 1,5 tỷ đồng.
>> Giá gạo tăng vùn vụt, Trung An, Lộc Trời, PAN Group kỳ vọng lãi lớn
Quyết định của Tòa án
Tại phiên sơ thẩm, Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của APG và yêu cầu doanh nghiệp này chịu án phí. Không đồng tình với phán quyết, Công ty APG và Angimex đều nộp đơn kháng cáo.
Sau thời gian xét xử, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên:
- Chấp thuận một phần kháng cáo của APG, yêu cầu Công ty Phát Tài bồi thường hơn 4,35 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hợp đồng và lãi phát sinh, tổng cộng hơn 4,39 tỷ đồng.
- Không chấp nhận yêu cầu bồi thường 1,6 tỷ đồng lợi nhuận dự kiến của APG.
- Điều chỉnh lại số tiền án phí mà APG phải chịu.
- Chuyển hồ sơ vụ án liên quan đến khoản bồi thường thiệt hại thực tế 14,85 tỷ đồng về TAND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Vụ kiện chưa có hồi kết
Như vậy, sau gần hai năm theo kiện, Công ty APG vẫn chưa nhận được phán quyết cuối cùng. Việc giá gạo tăng sốc năm 2023 đã gây ra hàng loạt tranh chấp hợp đồng, nhưng đến nay, trách nhiệm của các bên liên quan vẫn chưa được phân định rõ ràng.
Điều này đặt ra bài học lớn về rủi ro hợp đồng và sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh biến động thị trường.
>> Giá gạo tăng cao, Lộc Trời (LTG) lập kỷ lục doanh thu trong năm 2023