Giá gạo Việt Nam xuyên thủng mốc 400 USD/tấn, thấp nhất châu Á
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gạo Việt Nam xuất khẩu tiếp tục lao dốc, xuyên thủng mốc 400 USD/tấn. Ở mức này, mặt hàng được ví như “hạt ngọc Việt” đang có giá rẻ nhất châu Á.
Sau chuỗi ngày neo cao và đắt đỏ nhất trong top các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo Việt vào đà giảm giá mạnh.
Cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hôm 7/2, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm còn 399 USD/tấn. Theo đó, gạo Việt đang có giá rẻ nhất châu Á khi thấp hơn hàng cùng loại của Thái Lan tới 32 USD/tấn, thấp hơn hàng Ấn Độ 14 USD/tấn và Pakistan 5 USD/tấn.
Điều này rất hiếm khi xảy ra, bởi trên thị trường thế giới, gạo Việt có cùng phân khúc và chất lượng với gạo Thái Lan. Mặt hàng này của nước ta chủ yếu cạnh tranh với hàng Thái, còn giá luôn cao hơn hàng Ấn Độ và Pakistan.
Đáng chú ý, với mức 399 USD/tấn, giá gạo Việt thấp hơn cả mốc 533 USD/tấn ghi nhận vào ngày 19/7/2023 (thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo).
Còn so với giá đỉnh 663 USD/tấn hồi cuối tháng 11/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã giảm 264 USD/tấn, tương đương mức giảm 39,8%.
Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ năm 2023 tới nay. Không chỉ vậy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam còn thấp hơn cả giá gạo 25% tấm của Thái Lan (410 USD/tấn).
Tương tự, gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng giảm chỉ còn 371 USD/tấn. Trong khi đó, mặt hàng cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có giá lần lượt là 410 USD/tấn, 394 USD/tấn và 377 USD/tấn.
Lý giải về nguyên nhân giá gạo Việt xuất khẩu lao dốc, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết do áp lực nguồn cung tăng khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại. Do đó, trên thị trường thế giới không còn tình trạng các nhà nhập khẩu phải tranh mua như thời điểm nửa cuối năm 2023 và nửa đầu 2024.
Bên cạnh đó, các khách hàng truyền thống của gạo Việt đều có kế hoạch giảm nhập khẩu trong năm nay. Điều này cũng tác động mạnh đến giá gạo của nước ta.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - cho rằng, tình trạng khó khăn chỉ là tạm thời khi các nhà nhập khẩu muốn tiếp tục chờ đợi để có giá tốt hơn. Bởi, gạo Việt đã tạo được sự khác biệt và có phân khúc thị trường riêng.
Nước ta sắp bước vào vụ thu hoạch đông xuân - vụ lúa có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết dịp vừa qua lại tương đối thuận lợi nên sản lượng dự báo sẽ dồi dào. Do đó, một số nhà nhập khẩu gạo muốn chờ để được mua gạo với giá rẻ hơn, ông Nam lý giải.
Báo cáo mới nhất từ Bộ NN-PTNT cho thấy, tháng 1/2025, các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, ước thu về 308 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 1%, nhưng giá trị giảm 10,4% do giá giảm mạnh.
Theo nhiều nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các quốc gia vẫn rất lớn. Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ tương đối khó khăn. Sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn của năm 2024.