Hầm đường bộ của Việt Nam lọt top thế giới: 22 năm đảm nhiệm tốt vai trò, sự cố lớn chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp Việt
Dù đã hoạt động được 22 năm, công trình này vẫn hầm xuyên núi hiện đại trong khu vực Đông Nam Á.
Đèo Hải Vân nằm giữa TP. Đà Nẵng và TP. Huế từ lâu đã được mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất hùng quan" theo lời vua Lê Thánh Tông. Vào thời nhà Nguyễn, nơi đây trở thành cửa ngõ kinh đô Huế, đóng vai trò chiến lược trong giao thương và quân sự. Tuy nhiên, với độ uốn lượn quanh co và hiểm trở, đặc biệt vào mùa mưa bão, cung đường đèo dài gần 21km luôn là thử thách lớn đối với các lái xe.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm xây dựng hầm đường bộ Hải Vân giúp rút ngắn thời gian di chuyển và đảm bảo an toàn giao thông tại con đèo này.
Năm 1998, dự án hầm đường bộ Hải Vân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 250 triệu USD, sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
Hầm Hải Vân dài 12,047km, trong đó hầm chính dài 6.280m, rộng 10m với hai làn xe và độ cao 7,5m, cho phép tốc độ di chuyển tối đa 80km/h. Song song với hầm chính là hầm cứu nạn, rộng 4,7m, được nối với hầm chính bằng các đường ngang, tạo lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Trong quá trình thi công, dự án gặp phải những sự cố nghiêm trọng. Theo đó, khi đang triển khai đường găng tiến độ, 5 tháng sau ngày khởi công, đoạn đầu hầm phía Nam bị sạt lở do nền đất yếu. Hơn 600m3 đất đá, bao gồm một tảng đá mồ côi nặng hơn 20 tấn, đã rơi xuống lòng hầm, gây hư hỏng nghiêm trọng. Công ty Kend Tunneling được thuê để xử lý sự cố với chi phí 1 triệu USD, nhưng sau một tuần đã phải rút lui. Tổng Công ty Sông Đà sau đó đã vào cuộc và khắc phục thành công chỉ với 300.000USD cùng 12 tỷ đồng chi phí vật liệu, tiết kiệm hơn 1/3 chi phí dự kiến.
Sự cố tiếp theo xảy ra vào tháng 3/2001, khi thi công hầm thông gió ở phía Bắc, nước từ các khe nứt đổ xuống gây sập hầm. Dù gặp nhiều trở ngại, các kỹ sư Việt Nam lần đầu tiên đã áp dụng thành công công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method) - phương pháp đào hầm hiện đại từ Áo, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả thi công.
Sau hơn 36 tháng thi công, ngày 30/10/2003, hầm Hải Vân chính thức được thông hầm với độ sai số chỉ 2,5cm, thấp hơn nhiều so với mức cho phép là 10cm. Ngày 5/6/2005, hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành, trở thành hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam, dài nhất Đông Nam Á và một trong 30 hầm hiện đại nhất thế giới.
>> Chính thức hoàn thành dự án đường hầm dưới nước lớn nhất thế giới
Hầm Hải Vân không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển từ 45 phút đường đèo xuống còn 6 phút, mà còn giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm nguy cơ hư hỏng phương tiện và triệt để xử lý các "điểm đen" giao thông nguy hiểm trên tuyến Quốc lộ 1A. Quãng đường qua đèo giờ đây chỉ còn hơn 10km, bao gồm cả đường dẫn, rút ngắn 1/3 quãng đường so với đi đường đèo.
Hầm đường bộ Hải Vân đã mở ra một thời kỳ mới, góp phần kích cầu kinh tế, phát triển du lịch và giao thông Bắc - Nam. Những kỹ sư Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn lịch sử, chứng minh khả năng "khai sơn phá thạch" với dự án hạ tầng quy mô trong nước cũng như trong khu vực.