Kế hoạch về đường hầm vượt sông kết nối 2 tỉnh, thành phố giàu có của Việt Nam
Hầm vượt sông Đồng Nai kết nối 2 địa phương ở Đông Nam Bộ là phương án thay thế cho kế hoạch xây dựng cầu đường bộ kết nối trước đó.
Theo báo Đầu Tư, ngày 17/12, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024. Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai thông tin rằng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép UBND tỉnh thực hiện dự án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai, thay thế cho dự án cầu Cát Lái.
Quyết định chuyển sang phương án xây dựng hầm vượt sông thay vì cầu được đưa ra nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Cát Lái (TP. HCM). Phương án này được đánh giá có lợi hơn về mặt kỹ thuật và tác động xã hội. UBND tỉnh Đồng Nai hiện đang phối hợp với TP. HCM và các đơn vị liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục cần thiết triển khai dự án.
Vị trí xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối TP. HCM và Đồng Nai trước đó. Ảnh: Báo Lao Động |
Theo phương thức đầu tư, dự án sẽ được thực hiện bằng hình thức BOT. Trong đó, phần hầm sẽ do nhà đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng, còn phần đường dẫn hai đầu hầm thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và TP. HCM sẽ do từng địa phương đảm nhiệm.
Giữa tháng 11/2024, tại buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Fecon cùng đối tác Shanghai Tunnel Engineering Co. (STEC) đã đề xuất ý tưởng xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cầu Cát Lái. Theo đánh giá của doanh nghiệp, xây dựng hầm vượt sông sẽ giảm thiểu các khó khăn về giải phóng mặt bằng và hạn chế tối đa tác động xã hội đối với cư dân sống trong vùng quy hoạch. Phương án này được kỳ vọng sẽ là giải pháp tối ưu hơn so với xây cầu.
>> Dự án xây dựng đường hầm qua sân bay lớn thứ tư Việt Nam có chuyển động mới
Hầm vượt sông là phương án hiệu quả hơn xây cầu. Ảnh minh hoạ |
Chính quyền tỉnh Đồng Nai đánh giá cao đề xuất của Công ty Cổ phần Fecon, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu triển khai các dự án không chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách nhà nước mà còn tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư khác để đảm bảo tính khả thi và đa dạng hóa nguồn lực.
Việc xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai không chỉ giải quyết vấn đề kết nối giao thông quan trọng giữa Đồng Nai và TP. HCM mà còn hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, giảm áp lực giao thông và đảm bảo cân bằng giữa phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường, đời sống của cư dân.
TP. HCM và tỉnh Đồng Nai là 2 tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển của khu vực Đông Nam Bộ cũng như cả nước. Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Đứng thứ hai là Hà Nội với mức thu nhập 6,86 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai giữ vị trí thứ ba với thu nhập bình quân 6,57 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM đứng vị trí thứ 4 với 6,51 triệu đồng/người/tháng. |
>> Việt Nam sắp có hầm vượt sông nối 2 tỉnh, thành phố giàu có bậc nhất của cả nước
Đồng Nai xây thêm hơn 8.700 căn nhà ở xã hội trong năm 2025
Khai sai thuế, ‘ông lớn’ bất động sản công nghiệp Đồng Nai bị xử phạt