Bất động sản

Hàn Quốc bán rẻ căn hộ nửa giá cho vợ chồng trẻ để thúc đẩy sinh con

Hồng Khanh 10/01/2024 - 07:23

Giữa lúc tỷ lệ sinh con thấp, một tỉnh ở Hàn Quốc đang lên kế hoạch xây dựng nhà trên đất bỏ trống để bán với giá rẻ hơn một nửa thị trường cho các cặp vợ chồng trẻ.

Trong lúc số ca sinh con đang giảm nhanh trên toàn Hàn Quốc, tỉnh Bắc Chungcheong ở nước này lại chứng kiến số ca sinh con tăng lên trong năm qua.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, số lượng ca đăng ký khai sinh ở tỉnh Bắc Chungcheong năm ngoái là 7.693 trường hợp, tăng 1,5% so với năm trước. Đây cũng là nơi duy nhất trong 17 tỉnh, thành phố trong cả nước Hàn Quốc có số ca sinh tăng lên.

Có được điều này là nhờ những chính sách táo bạo của tỉnh. Theo đó, tỉnh trợ cấp 10 triệu won (200 triệu đồng) cho những vợ chồng sinh con. Đây là cách để giúp các cặp vợ chồng không còn nỗi lo về kinh tế khi có thêm em bé.

Chưa dừng lại ở đó, Bắc Chungcheong đang dự định thực hiện các kế hoạch khác để tỷ lệ sinh con tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh đang xúc tiến dự án "căn hộ nửa giá" nhằm giải quyết vấn đề nhà ở. Bởi, vấn đề nhà ở là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh con giảm. Tỉnh Bắc Chungcheong muốn ở vị trí số một của Hàn Quốc về tỷ lệ sinh tăng.

nha han quoc vietnamnet.jpg
Vấn đề nhà ở là rào cản với các cặp vợ chồng muốn sinh con do chi phí mua nhà quá cao. (Ảnh: Nhật Báo Chungcheong)

Theo kế hoạch này, Bắc Chungcheong sẽ xây dựng các căn hộ có giá chỉ bằng một nửa giá thị trường, trên các khu đất còn bỏ trống để giảm bớt gánh nặng chi phí mua nhà cho các cặp vợ chồng trẻ. Thời gian tới, các cơ quan của tỉnh sẽ bắt đầu các công việc như chuẩn bị quỹ đất xây dựng, lập kế hoạch việc bán nhà.

Thậm chí, để hỗ trợ sinh con và chăm sóc trẻ, các dự án hỗ trợ cho vay không lãi suất cũng được thực hiện thông qua các tổ chức tài chính.

Bên cạnh đó, chính sách của tỉnh này còn thúc đẩy "đường đi nhanh cho phụ nữ mang thai" như quầy ưu tiên cho phụ nữ mang thai, bãi đậu xe cho bà bầu, miễn phí và giảm giá các dịch vụ công cộng, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe mang thai, hỗ trợ chi phí đông lạnh trứng, hỗ trợ chi phí chăm sóc sau sinh...

Nhật báo Munhwa của Hàn Quốc cho hay, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Định cư con người Hàn Quốc về tác động của giá nhà với tỷ lệ sinh giảm cho thấy, nếu giá nhà tăng 1% thì tổng tỷ suất sinh sẽ giảm 0,014 trong 7 năm tiếp theo.

Park Jin-baek, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Định cư con người Hàn Quốc, cho biết: “Những người trong độ tuổi sinh con là nhóm người mới hòa nhịp vào cuộc sống của xã hội, có ít tích lũy tài sản trong gia đình. Để mua được một ngôi nhà, họ cần phải có tiền từ các khoản vay. Vì chi phí tiếp tục tăng lên sau khi sinh con nên sẽ có sự đánh đổi giữa việc sinh con và mua nhà".

Chuyên gia Park nhấn mạnh, tác động ngày càng tăng của giá nhà đối với tỷ lệ sinh là kết quả của xu hướng xem xét sinh con từ góc độ lợi ích kinh tế. Việc sinh con không tốn nhiều tiền nhưng chăm sóc một đứa trẻ, giáo dục sau khi sinh mới tốn kém.

Theo đài SBS của Hàn Quốc, việc giá nhà có tăng ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh con. Những năm 1990, tỷ lệ sinh con giảm trong 10 tháng sau khi giá nhà đất tăng. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ sinh con ở Hàn Quốc giảm ngay sau 1-2 tháng khi nhà đất tăng giá. Điều đó có nghĩa, khi giá nhà đất tăng, mọi người bắt đầu lo lắng chuyện có nên sinh con hay không.

Các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc cho rằng, để khắc phục vấn đề tỷ lệ sinh thấp, sự biến động của giá nhà phải được giữ ở mức thấp và phải đảm bảo nguồn cung nhà ở cho thị trường.

>> Tỷ lệ độc thân tăng cao kỷ lục trong năm 2023, 'sống một mình' tại Hàn Quốc đang là xu hướng?

'Không giải quyết được phân khúc nhà giá rẻ thì bất động sản còn khó khăn'

Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Không nên coi nhà ở xã hội là nhà giá rẻ

Hơn 14.000 căn nhà đủ điều kiện bán, TP.HCM vẫn ‘vắng bóng’ nhà giá rẻ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/han-quoc-ban-re-can-ho-nua-gia-cho-vo-chong-tre-de-thuc-day-sinh-con-2237480.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hàn Quốc bán rẻ căn hộ nửa giá cho vợ chồng trẻ để thúc đẩy sinh con
POWERED BY ONECMS & INTECH