Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thuơng binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốctheo Chương trình EPS đợt 1 của năm 2023 đối với 8 huyện, thành phố do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Cụ thể các địa phương bị tạm dừng gồm có: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Trước đó, trong năm 2022, cũng 8 địa phương của 4 tỉnh này đã bị dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc.
Tạm dừng tuyển người sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về chương trình EPS và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020 - 2022.
Qua đó, các địa phương bị tạm dừng tuyển có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Việc tạm dừng tuyển chọn không áp dụng đối với lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian miễn xử phạt.
Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trong những năm qua tại thị trường Hàn Quốc. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này nhưng chủ yếu do chênh lệch về thu nhập của người lao động làm việc trong nước và nước ngoài rất lớn.
Vì vậy, nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng.
"Người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ không được cơ quan pháp luật bảo vệ khi có các vấn đề xảy ra"
Theo ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những người lao động phá bỏ hợp đồng rồi cư trú bất hợp pháp ở lại Hàn Quốc đa phần vì lợi ích cá nhân.
Việc này đồng thời tước đi cơ hội của các thanh niên khác muốn đi làm việc tại Hàn Quốc. Ngoài ra khi làm cư trú, làm việc bất hợp pháp, người lao động lúc nào cũng lo sợ bị cảnh sát bắt giữ, trục xuất hoặc có thể bị bắt giam, bị phạt.
Người lao động cư trú bất hợp pháp khi gặp phải những vấn đề phát sinh, như khi bị người sử dụng lao động đối xử không tốt, hoặc không được trả lương, họ sẽ không được cơ quan nào can thiệp, đồng nghĩa với việc tự phải gánh chịu hậu quả.
Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc tại một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao.
Giai đoạn 2016 - 2017, có 20 tỉnh và 40 - 50 huyện bị tạm dừng đưa người lao động đi nước ngoài. Đến đầu năm 2023, con số này dừng ở 8 địa phương.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực chủ yếu như sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp…
Hồi tháng 1/2023, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã có thông báo áp dụng mức lương tối thiểu năm 2023 đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, mức lương tối thiểu theo giờ là 9.620 won, tính theo tháng (chuẩn tổng 209 giờ/tháng, 40 giờ/tuần + 8 giờ/tuần thời gian nghỉ có lương) là 2.010.580 won.
Như vậy, mức lương này tăng 5% so với năm 2022, tương đương trên 37,3 triệu đồng/tháng.