Hàng loạt công ty Mỹ ồ ạt tìm cách rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra?
Dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy, giá trị nhập khẩu hàng may mặc từ Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 5 đã tụt xuống mức thấp nhất trong 22 năm – chỉ còn 556 triệu USD, so với 796 triệu USD của tháng trước đó.
Zhang, một người kinh doanh xuất khẩu đồ tập yoga tại thành phố Dongguan, miền Nam Trung Quốc, đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn vào đầu năm nay. “Đợt áp thuế lần này từ Mỹ nặng hơn hẳn so với trước – thực sự là một cú đánh úp bất ngờ”, Zhang chia sẻ.
Kể từ tháng 4, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nâng mức thuế áp cho hàng hóa Trung Quốc lên trung bình 42%, theo ước tính của Morgan Stanley. Đồng thời, Mỹ cũng gây áp lực buộc một số quốc gia siết chặt việc “trung chuyển” hàng hóa Trung Quốc.
Những thay đổi đó đã giáng đòn nặng nề lên hoạt động kinh doanh của Zhang. Các khách hàng Mỹ quen thuộc với doanh nghiệp của bà đã tạm dừng đơn hàng suốt hai tháng qua để “theo dõi tình hình chính sách sẽ đi đến đâu”.
“Chính quyền địa phương khuyến khích chúng tôi chuyển hướng sang tiêu thụ trong nước, nhưng kích cỡ quần áo Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với kích cỡ Mỹ. Rất nhiều sản phẩm cỡ lớn đang nằm trong kho, không bán được”, Zhang than thở.
Câu chuyện của Zhang phản ánh tình cảnh chung của ngành may mặc khổng lồ tại Trung Quốc, trong bối cảnh các công ty thời trang Mỹ ồ ạt cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước này.

“Phần lớn các công ty thời trang hàng đầu của Mỹ vẫn có kế hoạch tiếp tục giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc, thậm chí có thể rút hoàn toàn khỏi quốc gia này”, Giáo sư Lu Sheng từ Khoa Nghiên cứu Thời trang và May mặc, Đại học Delaware, nhận định.
Theo tính toán của ông Lu, giá trị nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc vào tháng 5 đã giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ vài năm trước, Trung Quốc còn là nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất của Mỹ. Nhưng đến tháng 5 vừa qua, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ còn 9,9% – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận tạm hoãn một số mức thuế hồi giữa tháng 5, xu hướng rút lui khỏi Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Qua phân tích các báo cáo tài chính của khoảng 25 công ty thời trang lớn của Mỹ, ông Lu phát hiện nhiều doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tỷ lệ mua hàng từ Trung Quốc xuống “mức một chữ số” vào cuối năm nay.
“Nói cách khác, các doanh nghiệp vẫn xem việc đặt hàng từ Trung Quốc là rủi ro cao về mặt địa chính trị và chính sách thương mại”, ông nhấn mạnh.
Dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy, giá trị nhập khẩu hàng may mặc từ Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 5 đã tụt xuống mức thấp nhất trong 22 năm – chỉ còn 556 triệu USD, so với 796 triệu USD của tháng trước đó.
Phía Trung Quốc có số liệu nhẹ hơn: Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Dệt may Trung Quốc (CCCT) ghi nhận xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ chỉ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng từ đơn hàng Mỹ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tìm cách “giảm đau” bằng việc chuyển hướng sang thị trường châu Âu và các khu vực thay thế khác. Theo CCCT, xuất khẩu may mặc Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 5 đã tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thị trường châu Âu có nhu cầu tiêu dùng ổn định, chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và EU vững chắc, cùng với hệ thống hậu cần và thương mại thuận lợi”, CCCT nhận định.
Zhang cũng chia sẻ rằng bà đang lên kế hoạch đẩy mạnh bán hàng sang thị trường châu Âu và Trung Đông trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giáo sư Lu cảnh báo rằng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang chịu thiệt thòi cạnh tranh tại châu Âu. Các đối thủ từ Bangladesh, Campuchia...đang được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do hoặc chương trình “Everything But Arms” – cho phép các quốc gia kém phát triển tiếp cận thị trường EU miễn thuế.
“Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách EU đang theo dõi sát tác động từ các chính sách thuế của Trump. Nếu dòng hàng may mặc Trung Quốc đổ vào châu Âu quá lớn, rất có thể EU sẽ phản ứng bằng các biện pháp hạn chế thương mại mới”, ông Lu cảnh báo.
Tham khảo SCMP
>> Hàng loạt công ty ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra?
Các công ty Mỹ thiệt hại 82 tỷ USD vì chính sách thuế quan của Tổng thống Trump
Các công ty Mỹ đòi phạt tù doanh nghiệp Trung Quốc trốn thuế