Hàng loạt doanh nghiệp vật liệu xây dựng lấn sân sang bất động sản, cuộc đua săn quỹ đất 'nóng' trở lại
Nhiều doanh nghiệp "tay ngang" đang lấn sân sang mảng bất động sản trong bối cảnh thị trường có sự phục hồi qua từng tháng.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi qua từng tháng cùng với diễn biến của nền kinh tế. Minh chứng cho thấy tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới toàn thị trường đạt gần 31% trong quý I, với khoảng 6.200 giao dịch thành công. Con số này tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Dù vậy vẫn không cản bước được các kế hoạch tham vọng của loạt doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lấn sân sang mảng địa ốc này.
“Nối gót” theo Hòa Phát và Hoa Sen, CTCP Ống thép Việt Đức - VG PIPE (HoSE: VGS) cũng gia nhập vào đường đua bất động sản thông qua dự án Khu đô thị Việt Đức Lengend City tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo số liệu tại ngày 31/3/2024, công ty đã “rót” hơn 704 tỷ đồng vào dự án trên. Ngoài ra, VGS cũng đang đầu tư xây dựng hạ tầng lô đất CC4, khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với diện tích 4.248m2.
>> Ống thép Việt Đức (VGS) khởi công dự án 6.300 tỷ đồng tại Vĩnh Phúc
Ống thép Việt Đức (VGS) đã chi hơn 704 tỷ đồng cho dự án Lengend City tại Vĩnh Phúc |
Một cái tên khác đang đứng top 3 trong thị phần thép tôn mạ là CTCP Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) sẽ trình lên đại hội kế hoạch đầu tư sang mảng bất động sản và nông nghiệp với tỷ lệ không vượt quá 20% vốn điều lệ hoặc 10% vốn chủ sở hữu tại thời điểm đầu tư.
Trước đó, GDA dự định giao cho công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung bằng cách mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung - chủ đầu tư dự án nhà ở Khu đô thị SBC miền Trung, diện tích hơn 5,5 ha.
Bên cạnh đó, CTCP Gỗ An Cường (HoSE: ACG) lên kế hoạch làm khu đô thị hơn 9.200 tỷ đồng ở tỉnh Long An, trong đó chi phí sơ bộ khoảng 8.814 tỷ đồng và số tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 477 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực sản xuất gỗ là CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) cũng có kế hoạch lấn sân lĩnh vực bất động sản. Theo đó, công ty sẽ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhà máy 6 tại phường Tân Hiệp, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với giá trị 138 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành cho biết: “Việc mua bất động sản lúc này không chỉ mang lại nguồn thu cho thuê ổn định, mà còn có khả năng sinh lời cao khi chuyển nhượng trong tương lai.”
Mặt khác, với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, loạt dự án bất động sản lớn đang được tái khởi động. Thị trường địa ốc dần nóng trở lại với loạt dự án của Vinhomes, Novaland Khang Điền, Nam Long được tung ra thị trường trong nửa cuối năm 2024.
Do đó việc tận dụng đẩu tư với quỹ đất rẻ, vị trí đẹp sẽ là lợi thế giúp các doanh nghiệp "tay ngang" cạnh tranh trong cuộc đua bất động sản và tạo được thêm nguồn thu nhập lớn, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông.
>> Áp lực đáo hạn trái phiếu bủa vây, doanh nghiệp bất động sản 'loay hoay' tiếp cận vốn