Thế giới

Hàng loạt Ngoại trưởng họp tại Nga, một thành viên NATO bất ngờ muốn gia nhập BRICS

Bạch Linh 30/06/2024 12:38

Việc thành viên NATO muốn gia nhập BRICS được đánh giá là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường ảnh hưởng quốc tế và tiềm năng kinh tế.

Hồi đầu tháng 6, tin tức Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập nhóm BRICS đã thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu, RT viết. Đáng chú ý, quốc gia này là một thành viên của NATO. Điều này đặt ra câu hỏi, nếu Thổ Nhĩ Kỳ ra nhập khối các nền kinh tế mới nổi thì hai bên sẽ có lợi ích cũng như rào cản ra sao?

Thông tin quốc gia này muốn gia nhập được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng. Cụ thể, tờ South China Morning Post đã trích dẫn lời ông: “Tất nhiên, chúng tôi muốn trở thành thành viên của BRICS. Hãy xem chúng tôi có thể đạt được những gì trong năm nay”. Theo RT, vấn đề này cũng đã được thảo luận tại cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thành viên BRICS ở Nizhny Novgorod (Nga).

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS?

Việc thành viên NATO thể hiện sự quan tâm đến điều này được đánh giá là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường ảnh hưởng quốc tế và tiềm năng kinh tế. Khát vọng đó được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính liên quan đến các khía cạnh kinh tế, chính trị và địa chiến lược, theo RT.

Hàng loạt Ngoại trưởng họp tại Nga, một thành viên NATO bất ngờ muốn gia nhập BRICS
Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập nhóm BRICS

Theo đó, nước này muốn hướng tới mục tiêu đa dạng hóa quan hệ kinh tế và tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển một cách nhanh chóng. Việc gia nhập BRICS chắc hẳn sẽ giúp Ankara tiếp cận một thị trường rộng lớn, có cơ hội tăng cường thương mại và đầu tư với các nền kinh tế hàng đầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, nơi mà việc đa dạng hóa các đối tác trở thành yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần phải đối mặt với những khó khăn và hạn chế về tài chính. Việc gia nhập BRICS sẽ giúp nước này tiếp cận Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS và Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng. Điều này đặc biệt quan trọng khi quốc gia đang tìm cách duy trì sự độc lập về kinh tế và giảm thiểu áp lực bên ngoài.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đang ủng hộ ý tưởng về một thế giới đa cực, nơi cán cân quyền lực được phân bổ đồng đều hơn giữa các khu vực và quốc gia khác nhau. Và BRICS cũng hướng đến mục tiêu như vậy, RT viết.

Chưa hết, vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này trở thành mối liên kết quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông. Việc gia nhập BRICS sẽ củng cố vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép nước này sử dụng hiệu quả vị trí chiến lược, từ đó thúc đẩy lợi ích của mình và tăng cường mối quan hệ với các nước thành viên khác. Điều này cũng sẽ góp phần nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong an ninh khu vực và toàn cầu.

Việc gia nhập BRICS tồn tại nhiều “rào cản”

Được biết, quyết định trở thành thành viên BRICS của nước này có thể gây ra áp lực mạnh mẽ từ Washington và các đồng minh phương Tây - những nước coi BRICS là "mối đe dọa" đối với sự thống trị của họ trên trường quốc tế. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng các lệnh trừng phạt hay hạn chế kinh tế, từ đó ảnh hưởng không mấy tích cực đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và các mối quan hệ quốc tế của nước này.

Có thể thấy, khối BRICS đang nỗ lực phi USD hóa. BRICS ủng hộ một thế giới đa cực, nơi cán cân quyền lực được phân bổ đồng đều hơn giữa các khu vực và quốc gia khác nhau. G7 sẽ đại diện cho lợi ích của các cường quốc phương Tây phát triển về kinh tế, còn BRICS tập trung vào các vấn đề và lợi ích của các quốc gia đang phát triển. Điều này khiến BRICS trở thành một nền tảng quan trọng cho các quốc gia tìm kiếm việc độc lập nhiều hơn và hạn chế bớt ảnh hưởng của các nước phương Tây.

Hàng loạt Ngoại trưởng họp tại Nga, một thành viên NATO bất ngờ muốn gia nhập BRICS
BRICS đang nỗ lực phi USD hóa

Thứ hai, tình hình kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là rào cản đáng kể đối với việc gia nhập BRICS. Nền kinh tế nước này đang đối diện tình trạng lạm phát cao khiến các cơ quan kinh tế phải tìm kiếm đầu tư. Và thực tế là Ankara đang phụ thuộc nhiều hơn vào phương Tây về điều này. Nguyên do là vì các nước BRICS chủ yếu là các nền kinh tế đang phát triển và không thể đưa ra những khoản đầu tư lớn cần thiết, theo RT.

Hiện tại, bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều quốc gia cũng có mong muốn gia nhập BRICS. Cho đến nay, gần 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên chính thức của khối hoặc đạt được tư cách đối tác. Những quốc gia này bao gồm Azerbaijan, Algeria, Bangladesh, Bahrain, Belarus, Bolivia, Venezuela, Honduras, Zimbabwe, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Kuwait, Morocco, Nigeria, Nicaragua, Pakistan, Senegal, Syria, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda, Chad, Sri Lanka, Eritrea, Nam Sudan,...Tuy nhiên, chỉ một số quốc gia trong danh sách này chính thức nộp đơn xin gia nhập, đó là Algeria, Bangladesh, Belarus, Bolivia, Venezuela, Zimbabwe, Pakistan và Thái Lan.

Theo RT

>> Nóng: BRICS tạm ngừng kết nạp thành viên mới, Ngoại trưởng Nga lập tức thông báo lý do

BRICS công bố kế hoạch toàn lực ‘tấn công’ đồng USD, tham vọng phi USD hóa sẽ thành công vào năm 2026?

19 quốc gia bất ngờ cùng làm một hành động khiến nỗ lực phi USD hóa của BRICS như ‘hổ mọc thêm cánh’?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hang-loat-ngoai-truong-hop-tai-nga-mot-thanh-vien-nato-bat-ngo-muon-gia-nhap-brics-240536.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hàng loạt Ngoại trưởng họp tại Nga, một thành viên NATO bất ngờ muốn gia nhập BRICS
POWERED BY ONECMS & INTECH