Hàng loạt nhà ga 'ma' mọc lên ở siêu cường đứng số 1 thế giới về đường sắt cao tốc
Đây không phải quốc gia tiên phong trong xây dựng đường sắt tốc độ cao nhưng hiện nay đất nước này đã đứng đầu thế giới với mạng lưới đường sắt cao tốc dài hơn 45.000km.
Năm 2008, Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên nối Bắc Kinh và Thiện Tân. Kể từ đó, quốc gia này đã không ngừng mở rộng và phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc. Hiện tại, các chuyến tàu cao tốc ở Trung Quốc có tốc độ vận hành từ 250-350 km/h. Mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2035 sẽ xây dựng 200.000km đường sắt, trong đó có 70.000km là đường sắt cao tốc.
Tuy nhiên, hiện nay, tại Trung Quốc có 26 nhà ga đường sắt tốc độ cao ngừng hoạt động, bị bỏ hoang do vị trí xa xôi và lưu lượng hành khách thấp. Các nhà ga này tập trung chủ yếu ở phía Bắc và miền Trung của đất nước này. Thực tế này đặt ra một vấn đề liệu Trung Quốc có đang lãng phí và mở rộng mạng lưới đường sắt quá mức?
Nhà kinh tế học Dan Wang cho biết Trung Quốc đang chứng kiến rất nhiều khoản đầu tư lãng phí từ quá khứ: “Đường sắt cao tốc là hình mẫu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và cái gọi là ‘phép màu Trung Quốc’. Nó khá hữu ích trong việc cải thiện nền kinh tế địa phương và phúc lợi của mỗi người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi cơ sở hạ tầng phát triển và mở rộng ở đỉnh cao, hầu hết các thành phố và quận đều muốn trở thành một phần của mạng lưới, bất kể họ có khả năng hỗ trợ hay không. Điều đó rõ ràng vượt xa khả năng thị trường có thể duy trì. Kết quả là, giờ đây chúng ta đang chứng kiến rất nhiều khoản đầu tư lãng phí”.
Tàu cao tốc không người lái ở Bắc Kinh - Ảnh: Insider |
Đường sắt cao tốc đã mang lại cho Trung Quốc nhiều sự đổi mới. Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành sự khen ngợi cho đường sắt tốc độ cao, ông cho biết đây là thành công của “sự đổi mới độc lập” và khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Năm 2021, Covid-19 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, thị trường bất động sản suy yếu và lượng khách giảm đáng kể khiến các quan chức đất nước này kêu gọi chính quyền địa phương cắt giảm đầu tư vào các dự án đường sắt tốc độ cao.
Vào cuối năm 2021, tổng nợ phải trả của Tập đoàn đường sắt nhà nước Trung Quốc lên tới 5,91 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 800 tỷ USD). Đầu năm nay, với bối cảnh nền kinh tế trì trệ cùng những khoản nợ và chi phí cao khiến Trung Quốc quyết định tăng giá vé tại bốn tuyến đường sắt cao tốc chính.
Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), bà Wang thể hiện sự lạc quan khi cho rằng sự phát triển trong tương lai của mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ không bị tác động bởi những “khoản đầu tư lãng phí” trong quá khứ. Bà nhấn mạnh cách bền vững hơn để phát triển là lựa chọn những khu vực có hiệu quả của mạng lưới đường sắt tốc độ cao và duy trì chúng, đồng thời ngừng hoạt động tất cả những khu vực không hiệu quả.
Dù là một siêu cường dẫn đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc trên thế giới nhưng Trung Quốc vẫn đang đối diện với nhiều thách thức và có rất nhiều khoản đầu tư lãng phí trong quá khứ.
>>‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng đường sắt cao tốc 70 tỷ USD của Việt Nam có một lợi thế vượt trội