Vĩ mô

Hàng loạt vụ lạm thu bị 'phanh phui', đừng chỉ rút kinh nghiệm, nhắc nhở

Lê Huyền 04/10/2023 - 06:05

Liên tiếp các vụ lạm thu tại trường học gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bài toán được đặt ra là làm sao để ngăn tình trạng lạm thu vốn cứ "đến hẹn lại lên" mỗi đầu năm học?

Vào đầu năm học, tình trạng lạm thu lại xảy ra nhiều trường học trên cả nước gây bức xúc dư luận.

Tại TP.HCM, lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà đã hoàn trả cho phụ huynh gần 250 triệu đồng do lạm thu. Tại Hải Dương, bảng dự thu của lớp 10D, Trường THPT Thanh Miện hơn 20 khoản. Tình trạng lạm thu, thu chi không đúng quy định cũng diễn ra một số trường học khác trên cả nước.

Anh Phạm Sơn (phụ huynh ở TP.HCM) đồng ý rằng trong điều kiện hiện nay làm gì cũng cần tiền nên không thể không thu từ phụ huynh. Thế nhưng các trường phải thu đúng, thu đủ.

"Một số trường học lại đẻ ra hàng loạt khoản thu và nhiều khoản bất hợp lý khiến phụ huynh bức xúc. Mặt khác, nếu các quy định thu - chi công khai bằng văn bản và đưa lên trang website của trường của các lớp như nhau, mức thu như nhau sẽ ít có chuyện phụ huynh phản ánh. Giáo dục là công bằng, trong một trường học giữa các lớp học như nhau, nếu vẫn giữ tình trạng lớp này khác lớp kia, lạm thu vẫn còn đất sống”, anh Sơn nói.

Trường Tiểu học Hồng Hà (TP.HCM) vừa phải trả lại gần 250 triệu cho phụ huynh

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay có 3 điều dẫn tới lạm thu trong các trường học hiện nay. Điều thứ nhất, theo ông Phú, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số các trường học cần đầy đủ về cơ sở vật chất.

Thế nhưng hiện nay các trường học từ thành phố đến nông thôn, từ nơi có điều kiện đến nơi không có điều kiện, đang thiếu được đầu tư cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số.

Điều thứ hai, do thời tiết khắc nghiệt, nên việc trang bị máy lạnh và các thiết bị làm mát cho phòng học là cần thiết. Đây là nhu cầu đáp ứng cho học sinh, người lớn phải có trách nhiệm. Thế nhưng, trong hạng mục mua sắm từ ngân sách nhà nước những thứ này không có.

Thứ ba, để phát triển một công dân toàn cầu, đặc biệt là các môn học tiếng Anh đòi hỏi phải có phòng máy, phần mềm, hay phòng tin học để dạy tin học quốc tế… Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước cấp chưa đáp ứng được những điều này, buộc các trường học phải xã hội hoá. Vì vậy đến đầu năm học trong bối cảnh trường xuống cấp, điều kiện dạy học thiếu thốn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các trường buộc phải vận động phụ huynh đóng góp.

Theo ông Phú, việc vận động này đã được Thông tư 55 và Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT cho phép, vì vậy đầu năm học các cơ quan ban ngành cần nhanh chóng ra văn bản hướng dẫn để các trường thực hiện, tránh trường hợp xin một văn bản nhưng phải mất mấy tháng mới ban hành dẫn đến trễ cả năm học.

Trong khi đó, giáo viên và phụ huynh đều nóng vội, thường làm trước khi có văn bản dẫn đến sai quy tắc. Mặt khác, tình trạng diễn ra ở nhiều trường học hiện nay là vận động vận động phụ huynh theo hình thức “tự nguyện” nhưng thực tế nếu “tự nguyện đúng nghĩa” dành cho học sinh gần như rất ít phụ huynh đóng góp.

“Phải sòng phẳng rằng nếu “tự nguyện” sẽ không ai đóng, do vậy nhà trường, ban đại diện học sinh thường đưa ra một giới hạn nhất định, tức là cào bằng để phụ huynh đóng”- ông Phú nói.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, giới hạn này đã khiến các trường, ban đại diện phụ huynh nhiều trường quên đi một điều rằng còn có rất nhiều người khó khăn, không thể đáp ứng.

Vì vậy, theo ông Phú, khi vận động hạng mục nào cũng phải chú ý đến những học sinh khó khăn và có chế độ, chính sách miễn giảm cho các em. Do vậy ban đại diện học sinh cũng phải biết rằng mình đại diện cho phụ huynh một lớp nhưng không phải phụ huynh nào cũng như mình.

Về phía lãnh đạo nhà trường ông Phú cho rằng phải sâu sát, không để xảy ra lạm thu hay thu quá mức, quá đáng ở các lớp học. Lãnh đạo nhà trường cần làm đúng quy định, hàng rào pháp lý. Nhà trường đặc biệt là hiệu trưởng, cũng phải giám sát các nguồn thu tài trợ, đặc biệt là tài trợ từ nhân dân.

Nếu trường nào, cá nhân nào làm sai luật, phải căn cứ theo pháp luật để xử lý. Giáo viên làm sai, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng đổ thừa cho giáo viên chủ nhiệm. Hiệu trưởng nhà trường phải công khai xin lỗi trên truyền thông đồng thời phải hoàn trả lại số tiền đã thu sai cho phụ huynh, thậm chí phải lấy tiền túi của cá nhân để chi trả.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chủ trương của Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong những năm qua, Nhà nước luôn đầu tư xây dựng trường lớp, trong đó kinh phí cấp thường xuyên cho các trường học không dưới 20% ngân sách.

Dù vậy tỷ lệ khá lớn nguồn ngân sách này dùng để chi cho lương bổng cho cán bộ, giáo viên. Một phần ngân khác dù chi cho hoạt động giáo dục nhưng chi phí này có hạn chế nhất định. Vì vậy, bên cạnh ngân sách, ngành giáo dục đã huy động xã hội hoá.

Tuy nhiên theo ông Ngai, cần phải hiểu rằng xã hội hoá giáo dục không chỉ đơn thuần thu tiền mà là huy động toàn lực của người dẫn hỗ trợ giáo dục về mọi mặt, kể cả tham gia các hoạt động. Việc một số trường học cào bằng thu tiền của phụ huynh, thu không đúng mục đích và sử dụng đã khiến dư luận bức xúc. Điều này khiến người dân nhìn giáo dục không được thiện cảm.

Ở cấp độ quản lý từ Chính phủ, Bộ, các cơ quan địa phương như UBND thành phố, Hội đồng nhân dân, Sở GD-ĐT đã có các văn bản hướng dẫn việc thu - chi đầu năm học rất cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng tại sao tình trạng lạm thu vẫn diễn ra?

Theo ông Ngai đó là do nhu cầu thực tế của các trường cần có sự hỗ trợ của phụ huynh. Khi thu tiền học sinh, gần như các trường không trực tiếp thu tiền mà thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong các quy định có nêu rõ việc vận động cha mẹ học sinh là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính tự nguyện, không cào bằng, thu – chi có mục đích rõ ràng.

Xảy ra lạm thu, theo ông Ngai trách nhiệm chính là hiệu trưởng của trường. Quỹ do phụ huynh thu nhưng hiệu trưởng vẫn phải có trách nhiệm chính bởi lẽ việc thực hiện diễn ra trong nhà trường. Đương nhiên, người thực hiện cũng phải có trách nhiệm.

Để ngăn tình trạng lạm thu, ông Ngai cho rằng, các văn bản hướng dẫn cần được thực hiện đúng. Những vấn đề nếu nhà trường cần nhưng trong văn bản không cụ thể, rõ ràng hiệu trưởng phải có tờ trình xin ý kiến của các cấp quản lý theo phân cấp. Khi được các cấp lãnh đạo theo thẩm quyền phê duyệt, các trường có thể thu theo như đề án đã trình, chứ không được làm tuỳ tiện, gây bức xúc.

Về phía quản lý ngành, cụ thể là các Sở GD-ĐT, trước hiện tượng lạm thu đã xảy ra nhiều năm, cần tiếp cận tìm hiểu vấn đề vì sao lại xảy ra tình trạng như vậy. Nếu việc trường làm cần thiết nhưng văn bản hiện hành chưa đề cập, Sở GD-ĐT phối hợp với các Sở Tài chính, đề xuất UBND có văn bản chỉ đạo.

Nếu trường sai phạm dù đã có hướng dẫn cụ thể, tuỳ theo mức độ, phải xử lý nghiêm minh để ngăn chặn lạm thu. Việc trả lại tiền cho phụ huynh và phê bình hiệu trưởng, giáo viên không phải là hình thức kỷ luật theo Nghị định 112 năm 2020 của Chính phủ. Xử lý như vậy chưa thực sự nghiêm túc. Trong trường hợp trường không có lỗi trách nhiệm của lãnh đạo cấp trên cần được làm rõ để xã hội, cụ thể là phụ huynh biết.

“Phải có biện pháp mạnh mới có thể ngăn ngừa được lạm thu tại trường và răn đe các cơ sở giáo dục khác”- ông Ngai nói.

Tổng thống Macron chọn đồng minh lâu năm làm Thủ tướng mới của Pháp

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu bản sao chứng thực khi làm thủ tục hành chính

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hang-loat-vu-lam-thu-bi-phanh-phui-dung-chi-rut-kinh-nghiem-nhac-nho-2197424.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hàng loạt vụ lạm thu bị 'phanh phui', đừng chỉ rút kinh nghiệm, nhắc nhở
    POWERED BY ONECMS & INTECH